Du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành vào cuộc kích cầu, có những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn.
Kích cầu du lịch trong nước chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ (Nguồn Tổng cục Du lịch)
Kích cầu du lịch phải được đẩy nhanh
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với ngành du lịch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chính "túi tiền" và tâm lý của du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch khẳng định, du lịch sống dựa vào khách, không có khách thì du lịch sẽ không thể tồn tại. Ông Bình cho rằng, ngành du lịch phải đẩy nhanh quyết liệt từng ngày để kích cầu lại du lịch nội địa trong nước.
Cũng theo ông Bình, ngay bây giờ dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp khó có thể kết hợp với nhau nhưng chúng ta phải làm, song song là chọn điểm kích cầu là những nơi hàng không Việt Nam có đường bay - nơi nào có sân bay khởi động chương trình kích cầu ngay. Nhà nước cũng phải đồng hành với doanh nghiệp từ những việc đơn giản như các khu du lịch, điểm tham quan hãy giảm giá vé, chỉ doanh nghiệp giảm mà các khu tham quan, du lịch của nhà nước không giảm thì không được.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist Võ Anh Tài cho rằng, hiện nay người dân vẫn có tâm lý e dè, ngại tập trung du lịch theo nhóm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông để giải toả tâm lý hoang mang của người dân.
Sau giãn cách xã hội, để kích cầu du lịch, các công ty du lịch, hãng lữ hành đồng loạt các chính sách giảm giá, bán combo... Tuy nhiên, giảm giá nhiều và liên tục không phải là giải pháp phát triển bền vững mà cần có chính sách giảm giá hợp lý, được doanh nghiệp tuân thủ.
Với các hãng hàng không, để làm mới ngành du lịch, Bamboo Airways hợp tác với các đơn vị khác ngoài các liên kết nội bộ. Vietjet Air cũng mong muốn hợp tác với các công ty lữ hành thiết kế những gói kích cầu. Trong giai đoạn tháng 5, khi Thủ tướng tháo dỡ hạn chế đi lại, thị trường hàng không hy vọng có sự thay đổi tích cực.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phục hồi ngành du lịch là khởi đầu cho ngành kinh tế khác. Thời điểm này cần tái cấu trúc nền du lịch bằng cách định hướng thay đổi thị trường, hãng hàng không cần mở ra các điểm đến mới, visa không chỉ nên dừng ở hơn 20 nước mà cần phải mở rộng hơn nữa. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đề xuất ngành du lịch kết hợp với Bộ GD&ĐT kéo dài kỳ nghỉ hè, cho học sinh nhập học muộn để kéo dài mùa du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel khẳng định cần cấu trúc lại ngành, có cách tiếp cận khác để hồi phục ngành du lịch. Để làm được điều đó, Bộ VHTT&DL nên suy tính để thay đổi vì cấu trúc cũ không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém. Có thể chia thành 5 khu vực du lịch trọng điểm trên cả nước để đầu tư phát triển. Miền Bắc: Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh, miền Trung: Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, miền Nam Trung Bộ: Bình Định - Nha Trang - Buôn Ma Thuột, miền Đông Nam Bộ: TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Bình Thuận, ngoài ra là khu vực miền Tây.
Theo ông Kỳ, các công ty lữ hành cần thiết kế sản phẩm bay, kết nối hãng hàng không vận chuyển, thiết kế đường bay và sản phẩm để đưa khách đi một cách an toàn.
Hợp tác mua chung - bán chung để không nhiễu loạn thị trường
Bà Nguyễn Vân, Phó Tổng Giám đốc Hanoitourist cho rằng trong thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thay vì nói khó khăn phải có hành động cụ thể, sự gắn kết, đoàn kết với nhau để cùng vực dậy ngành du lịch.
Theo bà Vân, các công ty hàng không có thể hợp tác với nhau để đưa ra những mức giá không bị chênh lệch quá nhiều, các khách sạn, công ty du lịch cũng có cân nhắc tương tự.
"Chúng ta cần mua chung bán chung để không gây nhiễu loạn thị trường, tránh gây tâm lý e dè, chờ đợi thời cơ của khách vì thực tế thời gian kích cầu của chúng ta không phải quá dài, mặt khác cũng là để đảm bảo chất lượng và tình hình kinh tế của doanh nghiệp", bà Vân chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Hanoitourist cũng cho biết, ngoài phát triển du lịch biển, cần xúc tiến các thị trường du lịch khác như du lịch lữ hành tại các thành phố. Song song với đó là nâng cao trải nghiệm khách hàng, kích cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo khi ngành ổn định trở lại.
"Bản thân Hanoitourtist sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ, các ban ngành để đưa ra sản phẩm phù hợp kích cầu du lịch, tiếp cận thị trường nội địa trong thời gian này", bà kết luận.
5 xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách xã hội COVID-19
Xu hướng đầu tiên là nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi - trên 50% sẵn sàng du lịch trở lại.
Thứ hai là ưu tiên về an toàn và có ưu đãi.
Thứ ba là hầu hết người đi du lịch hiện tại đều muốn du lịch biển và thiên nhiên - 67% muốn đi biển.
Thứ tư là đi tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè - hơn 70% muốn đi cùng nhóm nhỏ và gia đình.
Thứ năm là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp, giải pháp số, cụ thể 14% đặt tour qua công ty; 62,1% muốn đi tự túc.
Bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group nhận định: “Nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó phục hồi như kỳ vọng. Toàn ngành du lịch cần phát động triển khai mạnh mẽ Chương trình chào đón du khách trở lại, với những ưu đãi đặc biệt để kích thích chi tiêu trong vòng 2 tháng. Ví dụ, tất cả du khách mỗi khi check-in các điểm đến đều nhận được tin nhắn chào mừng, gói ưu đãi hấp dẫn đến từ các đại lý du lịch, cửa hàng ăn uống, mua sắm, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, các hãng taxi.
“Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên thu hút du khách quốc tế quay lại, bởi đất nước chúng ta đã rất xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay khi COVID-19 được kiểm soát trên thế giới, chúng tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ lập tức triển khai chương trình quảng bá "Việt Nam - Điểm đến an toàn" như đã lên kế hoạch trước đó. Đây là bước khởi đầu quan trọng để du khách quốc tế ý thức được có một Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện đang chào đón họ trở lại”, bà Trần Thị Nguyện nói.
Kích cầu du lịch chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang, Việt Nam đã vượt COVID-19 một cách thành công đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chặn dịch đã khó, sau dịch làm sao thúc đẩy nền kinh tế, nắm bắt cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong đó có du lịch lại càng khó.
"Tôi cho rằng, để phát triển du lịch nội địa và quốc tế thời điểm này, chính sách của Chính phủ và cơ quan liên quan rất quan trọng, phải làm sao để người dân thấy an toàn khi du lịch", ông Quang nhận định.
Theo ông Quang, kích cầu chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ, vì các hãng du lịch, lữ hành, doanh nghiệp du lịch đều mong có khách, giờ chỉ chờ lệnh từ Bộ VHTT&DL. Nói cách khác, chúng ta cần có một cơ quan để dẫn dắt, riêng Vietnam Airlines, trước dịch đã bàn hết các kịch bản và chuẩn bi mọi nguồn lực về máy bay, con người để thực hiện nhu cầu du lịch của đất nước, Vietnam Airlines luôn sẵn sang khi Chính phủ, người dân cần.
Phó Chủ tịch điều hành Công ty TNHH tập đoàn BIM Đoàn Thị Thanh Mai nhận định, từ giờ đến hết năm, việc thị trường du lịch Việt Nam đón khách quốc tế là rất khó, vì vậy chúng ta nên tập trung vào khách nội địa. Đây là khó khăn và thách thức với ngành nhưng cũng là cơ hội để thay đổi diện mạo ngành Du lịch Việt Nam, là cơ hội thay đổi cách nhìn nhận của người Việt Nam với thị trường du lịch nội địa.
Bà Thanh Mai đưa ra các đề xuất: Có thông điệp rõ ràng từ Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, địa phương là du lịch nội địa đang an toàn. Để làm được điều này, chúng ta phải có chuẩn hoá như thế nào là an toàn du lịch. Ví dụ, Singapore có đưa ra chỉ tiêu thế nào là an toàn với các cơ sở kinh doanh du lịch. Họ có đội kiểm tra nếu đạt tiêu chí sẽ được cấp chứng chỉ.
Thứ hai là phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng, toàn quốc để quảng bá toàn quốc. Các địa phương cũng cần tìm cách tạo dấu ấn riêng, đề xuất này theo bà Mai có thể làm tập trung từ Bắc vào Nam, theo từng tuần lễ và các địa phương đồng thời có những sự kiện giới thiệu du lịch địa phương hấp dẫn như thế nào.
Thứ ba là tạo các cổng thông tin chính thức để khách du lịch có thể vào cổng và nhận thông tin, tìm hiểu về danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi bật trong nước.
Về việc các doanh nghiệp lớn đóng góp thế nào trong việc thúc đẩy du lịch nội địa, bà Thanh Mai cho rằng, các doanh nghiệp lớn đều đang có những nguồn lực tốt, Nhà nước hãy tận dụng nguồn lực đó để đóng góp vào chương trình quảng bá du lịch Việt Nam, đó có thể là nguồn lực tài chính hoặc cơ sở vật chất...
Nhật Nam