Bảo tàng Phương Đông ở thủ đô Moskva của Nga đã tổ chức Tuần lễ Việt Nam trên chuyên trang Instagram, nhằm giới thiệu những hiện vật tượng trưng nhất trong Phòng Việt Nam của Bảo tàng.
Múa rối nước Việt Nam. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Nhân năm hữu nghị Việt - Nga, từ ngày 25-31/5, Bảo tàng Phương Đông ở thủ đô Moskva của Nga đã tổ chức Tuần lễ Việt Nam trên chuyên trang Instagram, nhằm giới thiệu những hiện vật tượng trưng nhất trong Phòng Việt Nam của Bảo tàng trong khuôn khổ dự án VostokDoma.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong tuần lễ này, đầu tiên các khán giả được tìm hiểu về lịch sử ra đời nghệ thuật múa rối nước Việt Nam và các nhân vật tiêu biểu.
Phần thứ hai kể về chiếc ngai thờ và bàn thờ trong “ngôi nhà chung” là mái đình làng của Việt Nam, nơi những người sáng lập hoặc có công với làng được thờ cúng.
Phần thứ 3 kể về các tượng Phật khác nhau của Việt Nam, như tượng Phật Bà Quan âm 12 tay… Đặc biệt trong đó có bức tượng Phật không bao giờ được chiêm ngưỡng ở các quốc gia Đông Nam Á khác là tượng mô tả sự tích Đức Phật khi mới sinh ra đã đi 7 bước, một tay chỉ lên trời và 1 tay chỉ xuống đất.
Phần tiếp theo kể về dòng tranh sơn mài và tập trung khắc họa một trong những tác phẩm có giá trị nhất trong bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng là chiếc đĩa sơn mài làm bằng gỗ có đường kính lên tới 124cm, mô tả sự tích Vua Lê Lợi hoàn lại kiếm cho thần Kim Quy.
Vào các ngày 28 và 30/5, trên trang YouTube của Bảo tàng, chuyên gia về bộ sưu tập Việt Nam, Trưởng phòng Triển lãm và hiện vật thường trực của Bảo tàng Phương Đông, bà Albina Legostaeva đã trình bày các bài giảng trực tuyến với chủ đề “Tranh sơn mài Việt Nam” và “Ba màu: Trắng, đen, đỏ. Hình ảnh người đẹp Việt Nam.”
Người xem có thể tìm hiểu về chặng đường phát triển của nghệ thuật sơn mài, làm quen với công nghệ chế tác tranh sơn mài, cũng như tác phẩm của những bậc thầy nổi tiếng nhất Việt Nam.
Ngày 30/5, giảng viên Legostaeva trình bày về các nữ anh hùng nổi tiếng của Việt Nam, về chân dung người đẹp "lý tưởng" Việt Nam trong văn học dân gian truyền thống, những cấm kỵ trong cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX qua con mắt người nước ngoài.
Mỗi ngày trong tuần, qua chương trình thuyết trình VKLive, bảo tàng tổ chức đọc truyện cổ tích Việt Nam cho các thính giả nhí, cũng như phát các bản nhạc thú vị, được trình bày bằng các nhạc cụ dân gian của Việt Nam trên nền tảng Yandex.
Chương trình Tuần lễ Việt Nam của Bảo tàng Phương Đông ở thủ đô Moskva thực sự là cây cầu văn hóa giúp người dân Nga thêm hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, cũng như truyền thống văn hóa của người Việt Nam./.
Duy Trinh