Kiên Giang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%. Đồng thời, du lịch tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Về khách du lịch phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được nâng cấp phục vụ du lịch - Ảnh: Sở Du lịch Kiên Giang
Mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Du lịch tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm. Về khách du lịch phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 ngành du lịch Kiên Giang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Căn cứ Chiến lược, tổ chức rà soát các chỉ tiêu, rà soát các kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tăng cường công tác quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, trật tư, an toàn xã hội để phát triển du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; Xây dựng chương trình hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Sở Du lịch làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kiên Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch sau dịch Covid-19
Song song với việc phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế, đồng thời thể hiện quyết tâm phục hồi các hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội địa để đưa Du lịch Kiên Giang nhanh chóng hoạt động trở lại từ bằng và tăng trưởng hơn góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ngoài việc cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch khảo sát điểm đến sau dịch covid-19 với quyết tâm mạnh mẽ là phục hồi nền kinh tế, trước mắt đưa Du lịch nội địa tăng trưởng trở lại với chương trình kích cầu hấp dẫn, thiết thực, những sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi du lịch của người dân trên cả nước, Sở Du lịch Kiên Giang xác định tăng cường đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch sau dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch đồng bộ với định hướng xúc tiến thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch là:
Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các dự án thuộc bốn vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải và U Minh Thượng, trong đó xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực. Đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí, thể dục thể thao..., chất lượng cao phục vụ du lịch tại Phú Quốc.
Thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như các dự án khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Bình San, khu du lịch Thạch Động - núi Đá Dựng, khu du lịch Mũi Nai, Đầm Đông Hồ, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Hải Tặc, khu du lịch Moso - Hang Tiên - quần đảo Bà Lụa, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Nam Du, khu vui chơi giải trí, thể thao dưới nước Kiên Hải, khu di tích lịch sử - sinh thái U Minh Thượng, khu di tích lịch sử, danh thắng Ba Hòn, khu di tích lịch sử - văn hóa xép Ba Tàu, các khu du lịch sinh thái vườn tại huyện Giồng Riềng...
Từ những định hướng trên, ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đã đề xuất một số giải pháp trong công tác thu hút xúc tiến đầu tư các dự án du lịch như sau:
1. Tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trong cấp phép đầu tư, xây dựng...; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, huy động có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cần chú trọng chất lượng, hiệu quả của dự án, tuân thủ quy hoạch phát triển ngành, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát; có chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án về quy mô, tiến độ và các nghĩa vụ khác, trong đó vấn đề môi trường là quan trọng nhất.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại và du lịch.
2. Tập trung rà soát bổ sung, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch.
Rà soát quy hoạch Du lịch, đẩy mạnh công tác giám sát quy hoạch, khuyến khích nhân dân, nhà đầu tư tham gia vào công tác quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, đào tạo lao động…, để thu hút đầu tư.
3. Tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
4. Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động qua đào tạo có tay nghề; việc cải thiện chất lượng nguồn lao động sẽ tăng sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
5. Kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Miễn thị thực cho người nước ngoài vào Khu kinh tế Phú Quốc
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 25/5/2020 về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu kinh tế ven biển được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định tại khoản 7, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 25/5/2020 cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử đối với công dân của 80 nước trên thế giới kể từ ngày 01/7/2020.
Theo quy định tại khoản 10, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, công dân thuộc 80 nước được cấp thị thực điện tử bao gồm: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Italia, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc…
Đồng thời, Chính phủ cho phép người nước ngoài được nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua 8 cửa khẩu quốc tế đường không, 16 cửa khẩu quốc tế đường bộ và 13 cửa khẩu quốc tế đường biển.
Cụ thể, 8 cửa khẩu quốc tế đường hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc và Phú Bài.
16 cửa khẩu quốc tế đường bộ gồm: Tây Trang (Điện Biên), Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay (Quảng Trị), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum), Mộc Bài (Tây Ninh), Xa Mát (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang), Sông Tiền (An Giang) và Hà Tiên (Kiên Giang).
13 cửa khẩu quốc tế đường biển gồm: Hòn Gai, Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), Hải Phòng (thành phố Hải Phòng), Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TP HCM (TP HCM), Dương Đông (tỉnh Kiên Giang).
Như vậy tỉnh Kiên Giang có 3 cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử gồm: Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (đường hàng không); Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (đường bộ) và cửa khẩu quốc tế Cảng Dương Đông, Phú Quốc (đường biển).
Thủy Bích (t/h)