Không còn nằm trong ý tưởng nữa, Festival bốn mùa tại TP. Huế đang được tích cực nghiên cứu, triển khai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2022. Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu “Thành phố Festival” thì địa phương cần có bước đi thận trọng và đặc biệt cần học hỏi những quốc gia đã thành công về mô hình này…
Một chương trình nghệ thuật diễn xướng cung đình “Văn hiến Kinh kỳ” tại Festival Huế 2018
Theo đó, Thừa Thiên Huế đã, đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng một thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Với các kỳ Festival Huế vốn đã được định hình trong suốt 20 năm qua, địa phương này cũng đang hoàn thiện đề án Festival bốn mùa nhằm khai thác và phát huy tối đa những lợi thế vốn có của một vùng đất giàu di sản văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống...
Sẽ có mỗi mùa một kỳ Festival
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có cuộc làm việc với các Sở, ngành có liên quan để bàn những nội dung chính của đề án Festival bốn mùa. Đề án này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng Huế - Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo Quyết định số 143/2007/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ . Việc tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật tại các kỳ festival trong năm được dựa trên những nét đặc trưng về sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian, lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng, giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế... Qua đó sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cụ thể, Festival Dân gian Huế sẽ diễn ra vào mùa Xuân khi vừa ra Giêng là thời điểm mà trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều lễ hội truyền thống dân gian nhất trong năm. Kỳ fesival này sẽ hướng du khách thập phương tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương. Có thể kể đến một số chuỗi lễ hội, sinh hoạt văn hóa trong dịp mùa Xuân tại Thừa Thiên Huế như lễ hội đền Huyền Trân, hội vật Thủ Lễ, hội vật Làng Sình, hội đu tiên, hội đua thuyền... và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, trưng bày triển lãm ở các công viên và trung tâm văn hóa tại TP Huế.
Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà giới thiệu về ẩm thực Huế tại chương trình Ẩm thực thuần Việt
Mùa hạ sẽ có Festival Huế (các năm chẵn) hoặc Festival Nghề truyền thống Huế (các năm lẻ). Đây là các kỳ Festival đã được tổ chức nhiều kỳ, với quy mô quốc tế và đã khẳng định được thương hiệu suốt nhiều năm qua. Đề án sẽ tiếp tục duy trì tính chất của một festival nghệ thuật đẳng cấp quốc tế như lâu nay, với các loại hình nghệ thuật đương đại, các lễ hội đường phố, lễ hội áo dài, và cả thế mạnh của nghệ thuật diễn xướng cung đình... Huế vốn có thế mạnh về ẩm thực nhưng thời gian qua vẫn chưa được khai thác đúng mức. Do đó, tại đề án này, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phát huy giá trị ẩm thực dân gian và cung đình Huế. Và mùa Thu, trong đó lấy mốc thời gian của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 để tổ chức một Festival Ẩm thực quốc tế Huế.
Festival Âm nhạc Huế sẽ diễn ra vào mùa Đông, dự kiến được tổ chức từ giữa tháng 12 đến Tết Dương lịch với cao điểm từ lễ Giáng sinh đến lễ chào đón Năm mới nhằm tạo điểm nhấn riêng có. Festival Âm nhạc hướng đến xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế định kỳ. Tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh có thể tổ chức các cuộc thi về âm nhạc mang tính quốc tế tại Huế.
Cơ hội để thu hút du khách quanh năm
Từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức 10 kỳ Festival Huế (năm chẵn) và 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ), nhưng mỗi kỳ lễ hội chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, có quá nhiều hoạt động về văn hóa nghệ thuật từ nghệ thuật cung đình, đến sinh hoạt dân gian truyền thống, và nghệ thuật quốc tế... nên gần như du khách không thể thưởng thức được trọn vẹn. Nếu nói thẳng ra thì nhiều du khách sẽ “bội thực” với nghệ thuật, nên chưa có được sự cảm nhận sâu sắc về giá trị của các đêm diễn, các chương trình lễ hội tại mỗi kỳ Festival Huế. Chính điều này cũng từng được các nhà nghiên cứu văn hóa đề cập.
Chương trình quảng diễn tại Lễ hội đường phố của các kỳ Festival Huế luôn thu hút đông đảo cộng đồng và du khách tham gia
Trong khi đó, vào các thời điểm khác trong năm, tại Huế rất ít các hoạt động để kích cầu, thu hút khách du lịch. Một số ý kiến còn ví von rằng, “Huế chỉ đông vui khi có Festival, qua Festival là thấy đìu hiu”. Từ thực tế đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch xây dựng đề án Festival bốn mùa, hướng đến việc khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị riêng có của vùng đất di sản. Các chuỗi hoạt động của 4 kỳ Festival được sắp xếp hợp lý, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Festival là hoạt động phi lợi nhuận, tỉnh tổ chức các kỳ Festival không nhằm mục đích kinh doanh nghệ thuật phục vụ giải trí, mà hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy thế mạnh về tầm vóc giá trị di sản văn hóa Huế. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển các ngành du lịch, dịch vụ; tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Các hoạt động tại mỗi kỳ Festival đang được tỉnh từng bước xã hội hóa theo hướng mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương tham gia tích cực, chủ động với tư cách là chủ thể đầu tư, thực hành và thụ hưởng. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, người dân, tìm kiếm đối tác xã hội hóa các chương trình, hoạt động tại các kỳ Festival”, ông Phan Ngọc Thọ thông tin.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival bốn mùa dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2022. Tuy nhiên, trong năm 2021, tỉnh sẽ chọn triển khai một vài kỳ Festival nhằm thử nghiệm mô hình tổ chức, khả năng phối hợp, quản lý các hoạt động giữa các đơn vị để có điều chỉnh phù hợp, rút kinh nghiệm khi đề án Festival bốn mùa chính thức triển khai.
Thùy An