Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như: Núi Bà Đen, Toà thánh Tây Ninh, Bãi Sau, Côn Đảo...
Chiều 15/6, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị phối hợp tổ chức ký kết liên kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ với sự tham gia của lãnh đạo UBND và Sở Du lịch của 6 tỉnh vùng Đông Nam bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM). Đây là hội nghị để chuẩn bị cho Hội nghị chính thức về liên kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ sẽ diễn ra tại Tây Ninh vào ngày 26 và 27/6 tới.
Đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM phát biểu.
Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như: Núi Bà Đen, Toà thánh Tây Ninh (ở tỉnh Tây Ninh), Bãi Sau, Côn Đảo (ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), toà nhà Landmark 81 (ở TP.HCM)…Tuy nhiên hiện nay, những sản phẩm du lịch này còn riêng lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy hết tiềm năng. Vì thế, từ hoạt động liên kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ với những hoạt động tiêu biểu như: Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch TP.HCM, Festival biển quốc tế Vũng Tàu, Liên hoan ẩm thực Bình Dương, Giải việt dã leo núi toàn quốc chinh phục đỉnh cao Bà Rá, Tuần lễ văn hoá du lịch ẩm thực Đồng Nai… sẽ góp phần làm đa dạng các hoạt động du lịch. Việc liên kết phát triển du lịch này lấy TP.HCM làm trung tâm, xoay quanh TP.HCM để cùng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo nhiều ngành nghề khác. TP.HCM quan tâm đến lĩnh vực này và sẽ kết hợp với các khu vực và các tỉnh thành khác, bởi một mình TP.HCM không thể phát triển được. Vì thế cần thiết phải có sự liên kết, xoáy sâu việc hình thành các sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện các doanh nghiệp chào bán các phẩm du lịch…
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: "Đến giờ này chưa ai trả lời được Việt Nam sẽ mở cửa đón khách nước ngoài vào nên hơn lúc nào hết du lịch nội địa là cứu cánh và sự cần thiết. Bản thân TP không thể tự mình phát triển mà là sự phát triển chung nên nếu không liên kết thì sẽ rất khó".
Tòa Thánh Tây Ninh là điểm nhấn của du lịch tỉnh Tây Ninh và vùng Đông Nam bộ.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại diện cho rằng, đây là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong khu vực có thể bứt phá lên trong lĩnh vực du lịch. Theo đại diện các hãng lữ hành lớn thì việc kết hợp này rất tốt bởi sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành có những nét riêng biệt riêng. Khách du lịch ít đến TP.HCM rồi về mà sẽ đi các địa phương xung quanh nên cần phải tận dụng.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có thể tăng thời gian liên kết lên khoảng 10 năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác trên cơ sở thoả thuận hợp tác thì địa phương có thể ký kết hợp tác song phương giữa các địa phương:
Bà Trần Tuyết Minh cho biết: "Tôi đề nghị nói rõ mục tiêu hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của các địa phương trong việc tìm kiếm đối tác phát triển hoạt động kinh doanh. Câu chuyện du lịch phải dựa vào doanh nghiệp bởi không có doanh nghiệp thì chính quyền và người dân không biết bấu víu vào đâu".
Dự kiến Hội nghị chính thức về liên kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ sẽ diễn ra tại Tây Ninh vào ngày 26 và 27/6/2020. Qua hội nghị, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ; tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM, tỉnh Tây Ninh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ nhằm hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch…Việc liên kết này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sao ảnh hưởng của dịch Covid-19./.
Hà Khánh/VOV-TP HCM