Ðến Tuy An (Phú Yên), đứng ở chân đèo Quán Cau dõi mắt xa xa, sẽ thấy đầm Ô Loan hiện ra trong dáng chim phượng hoàng kiêu hãnh sải cánh bay ra biển. Cảnh sắc như bày ra trước mắt một "bữa tiệc" đá đủ sắc mầu, hình dáng, xếp chồng lên nhau thành hình thù độc đáo, hòa vào vẻ đẹp hiền hòa, mênh mang chốn biển trời xanh thẳm. Ðó không chỉ tạo nên sức hút về mặt mỹ quan mà còn ẩn chứa nét đẹp và chiều sâu văn hóa của đất và người Phú Yên.
Gành Đá Đĩa, một điểm đến thu hút khách du lịch tại huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: Trung Sỹ
Vẻ đẹp từ truyền thuyết
Tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương có lợi thế địa hình, nhiều danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng và huyện Tuy An chính là biểu trưng cho sự đa dạng ấy với đầm Ô Loan, địa đạo gò Thì Thùng, chùa cổ Từ Quang, gành Ðá Ðĩa, mộ và đền thờ Lê Thành Phương, thành An Thổ... Là một huyện ven biển, phía bắc giáp thị xã Sông Cầu và Ðồng Xuân, phía tây giáp huyện Sơn Hòa, phía nam giáp TP Tuy Hòa, phía đông giáp biển Ðông, thổ nhưỡng Tuy An có đủ các dạng địa hình: Ðồng bằng, đồi núi, sông, suối, đầm, vịnh, cù lao... với cảnh sắc độc đáo, hữu tình. Nhắc tới mảnh đất này, không thể không nhắc tới những bộ đàn đá, kèn đá cổ được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì sự hoàn chỉnh của thang âm. Bộ đàn đá có thang âm tám thanh, được coi là bộ đàn đá duy nhất có thang âm đầy đủ được phát hiện cho đến nay tại Việt Nam. Bộ kèn đá có cùng niên đại cũng được đánh giá là loại nhạc khí độc nhất vô nhị ở nước ta và có thể trên cả thế giới, kết tinh văn hóa dân gian với những giá trị xứng đáng được lưu truyền như bảo vật.
Chúng tôi dừng chân gần đèo Cau, người Phú Yên hiền hòa mộc mạc có những câu ca dao thuở xưa: "Chiều chiều mượn ngựa ông Ðô/ Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/ Cô về chẳng lẽ về không/ Ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau/ Ngựa ô đi tới Quán Cau/ Ngựa hồng thủng thỉnh đi sau Gò Ðiều". Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Bùi Văn Thành hào hứng giới thiệu về truyền thống bất khuất, bề dày văn hóa đất Tuy An. Mở đầu câu chuyện của anh là đầm Ô Loan thơ mộng nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, địa danh gắn với phong trào Cần Vương tại tỉnh. Ðầm Ô Loan có diện tích khoảng 1.200 ha được người dân trong vùng kể qua câu chuyện nhuốm sắc màu huyền thoại về nàng Loan và chim ô thước. Tích xưa truyền lại, nàng Loan là tiên trên trời rất xinh đẹp, tính tình tinh nghịch ngày nọ mượn chim ô thước bay xuống trần gian dạo chơi. Ngang qua Tuy An, chim mỏi cánh, hạ xuống dãy núi Từ Bi. Ðắm say cõi trần, nàng se duyên với chàng trai bản địa, cùng nhau khai khẩn đất đai để Tuy An thêm mộng mơ, trù phú, sinh ra những bậc hiền tài. Ðầm Ô Loan được ghép bởi tên nàng tiên và chim ô thước. Phong cảnh nên thơ nơi đây gợi nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ sáng tạo. Xa xưa, từ đặc sản là hàu cũng được thi sĩ Tản Ðà nổi tiếng sành ăn, hạ bút đề thơ: "Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu". Gần đây, nhiều bộ phim truyện điện ảnh cũng chọn Tuy An làm bối cảnh chính như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ từng đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 và nhiều giải thưởng quốc tế.
Ðể du lịch khởi sắc...
Hiện nay, huyện Tuy An đang tiến hành xây dựng nhiều đề án kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch. Ðáng chú ý, khu ẩm thực tập trung đầm Ô Loan tại cầu An Hải đã hoàn thiện. Ðịa phương cũng chú ý tăng cường công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá và đề nghị các chủ kinh doanh kiểm tra an toàn về khả năng chịu lực của các nhà phao bảo đảm phục vụ an toàn cho du khách. Ðến nay, một số nhà đầu tư đang đặt vấn đề tiếp cận quy hoạch du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch cũng được chú ý để phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn. Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy An, một trong những vấn đề mà huyện đang nỗ lực đầu tư là hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Cụ thể, huyện Tuy An tập trung xây dựng điểm du lịch văn hóa gắn với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và thành lập các đoàn nghệ thuật, như: Ðoàn cải lương Tây Ðô, câu lạc bộ tuồng cổ, đoàn trò chơi dân gian, câu lạc bộ hò bá trạo; tiến hành phục chế bộ đàn đá, kèn đá và đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch; tăng cường công tác trồng cây xanh tạo cảnh quan, sạch, đẹp tại các di tích, danh thắng; tiếp tục vận động công tác nhận chăm sóc di tích lịch sử của các trường học trên địa bàn... Ðặc biệt, UBND huyện Tuy An chú trọng nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm như: Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, Hội đua ngựa gò Thì Thùng, Lễ hội chùa Từ Quang, Lễ hội đền Lê Thành Phương...
Tuy An đã và đang cố gắng để tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó có cả cách thức đơn giản mà hiệu quả như: quay phim giới thiệu các lễ hội truyền thống; ra mắt bộ đĩa nhạc "Tuy An mảnh đất vang ca"; xuất bản tập sách văn học dân gian; phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch tại các địa phương; tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Những tuyến du lịch đã được tỉnh Phú Yên công nhận như: Tuy Hòa - thành An Thổ - gành Ðá Ðĩa - tháp Nhạn đang được quản lý, đầu tư đồng bộ hơn. Ðịa phương cũng đã kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ để hình thành một số tuyến du lịch, như: Tuyến du lịch đường thủy: Vịnh Xuân Ðài - Ðá Ðĩa - gành Ðèn - cù lao Mái nhà - Ô Loan - Hòn Yến - Hòn Chùa - Bãi Xép; Tuyến du lịch đường bộ: Tuy Hòa - Mộ và đền thờ Lê Thành Phương - Chùa Tổ - Ðịa đạo gò Thì Thùng - Khu di tích Nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Phú Yên và các tuyến du lịch theo chuyên đề khám phá biển đảo, tham quan các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể về đá, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề...
Xứ hoa vàng Tuy An có nhiều tiềm năng tự nhiên và nhân văn, song thực tế vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch. Cụ thể, tình trạng lấn chiếm trái phép tại các khu quy hoạch du lịch, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để, nổi cộm là một số vi phạm tại khu vực danh thắng cấp quốc gia đầm Ô Loan (thuộc bốn xã ven đầm; xã An Cư, xã An Hiệp, xã An Hòa và An Ninh Ðông). Ngay như di tích lịch sử Ðịa đạo gò Thì Thùng (xã An Xuân), khu vực 1 của di tích chưa được đền bù, cho nên một số hộ dân vẫn trồng cây lâm nghiệp trên đất di tích; nhiều dự án du lịch được quy hoạch, nhưng kêu gọi đầu tư chậm so với kế hoạch. Việc đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử, thắng cảnh cấp quốc gia chưa chủ động, việc quản lý còn bất cập nên chưa phát huy được thế mạnh du lịch. Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch ven biển chậm triển khai làm ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển và chuyên nghiệp hóa sản phẩm du lịch.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cho biết, về khách quan, do nhận thức của một số người dân về công tác bảo vệ di tích, danh thắng chưa cao cho nên chưa phát huy tính năng động, chuyên nghiệp; lượng khách tham quan chưa đều cho nên nhân sự phục vụ tại các di tích, danh thắng chưa tạo được ấn tượng với du khách. Về chủ quan, công tác tuyên truyền về di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư chưa sâu rộng, liên tục; kinh phí đầu tư vào phát triển du lịch còn hạn hẹp so với yêu cầu thực tế; công tác kiểm tra, quản lý ở một số địa phương còn hạn chế. Nhìn chung, Tuy An còn đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch và địa phương cũng đã có sự chuyển mình, khởi sắc, nhưng chưa xứng tầm lợi thế sẵn có. Ðể phát triển vững vàng, hướng tới giá trị lâu bền hơn, trước hết địa phương cần khắc phục những khó khăn còn tồn tại, nhất là ở các khu di tích, danh thắng đã được công nhận, đồng thời tuyên truyền cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống văn hóa, có chiến lược kêu gọi đầu tư các dự án, tua du lịch và loại hình nghệ thuật truyền thống. Tin rằng, trong tương lai gần, Tuy An sẽ đổi thay mạnh mẽ và tạo được dấu ấn sâu đậm đối với du khách trong phương xa. Ðiều đó cũng mở ra cơ hội lớn trong giữ gìn và phát triển văn hóa du lịch ở miền đất đầy tiềm năng này.
Văn Thành