Cù Lao Chàm, xã đảo thuộc TP Hội An (Quảng Nam) cuốn hút du khách bởi vẻ nguyên sơ, bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh.
Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi mà mọi du khách đều ngỡ ngàng, thậm chí là giật mình khi mà mọi người dân sẵn sàng nói không với túi ni lông.
Tôi di chuyển vào Cửa Đại của TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) để đến cầu cảng lên tàu ra Cù Lao Chàm. Ấn tượng đầu tiên của tôi là khẩu hiệu “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” được in to trên tấm bảng ngay từ cầu cảng. Ngay trong tấm vé tham quan xã đảo cũng in dòng chữ này. Một câu khẩu hiệu khiến chúng tôi thích thú và khá tò mò về vấn đề này. Nhưng tôi vẫn chưa tin tưởng điều đó là sự thật.
Cù Lao Chàm nguyên sơ, cuốn hút.
Lênh đênh khoảng 30 phút trên tàu, Cù Lao Chàm dần xuất hiện. Một xã đảo yên bình và thơ mộng, chứa đựng những điều thú vị mà chúng tôi muốn khám phá.
Khi đặt chân lên cầu cảng để vào đảo, ông Hồ Thương, một người dân ở Cù Lao Chàm hồ hởi chào chúng tôi đến với xã đảo Tân Hiệp. Dẫn chúng tôi đi, ông Thương cho hay, Cù Lao Chàm có 8 đảo lớn nhỏ gồm: Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông. Trong đó có nhiều bãi tắm nổi tiếng như: Bãi Bắc, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương.
Khi tôi thắc mắc về khẩu hiệu “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, ông Thương mới nói rõ, tháng 5/2009, UBND xã Tân Hiệp phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”. Chiến dịch này được người dân nơi đây ủng hộ mạnh mẽ, sau đó được triển khai một cách bài bản với nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ giải pháp thay thế nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ni lông một cách tự giác trên toàn xã Cù Lao Chàm.
“Ở chúng tôi chỉ sử dụng giỏ đi chợ hoặc dùng túi lưới, túi lát hoặc dùng giấy. Mới đầu không sử dụng túi ni lông cũng hơi khó nhưng sau đó thành quen, giờ người dân ở xã đảo sử dụng túi ni lông mà bị bắt gặp sẽ bị phạt 500 nghìn đó”, ông Thương nói.
Quả thực, hai ngày ở trên đảo Cù Lao Chàm, chúng tôi quan sát và khá bất ngờ khi người dân nơi đây chấp hành nghiêm việc không sử dụng túi ni lông.
Sở dĩ những người dân nơi đây chấp hành như vậy vì Cù Lao Chàm bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm. Việc không sử dụng túi ni lông góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, và tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển của nơi đây.
Một góc xã đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Có thể nói, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” đã tạo nên một Cù Lao Chàm đẹp và sạch sẽ hơn. Cũng chính vì điều này, ở Cù Lao Chàm giờ đây thu hút hàng ngàn khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi ngày.
Giờ đây, Cù Lao Chàm được ví như là một “thiên đường nghỉ dưỡng” của du khách, một địa điểm du lịch tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây. Cảnh đẹp, người dân thân thiện, điều ấn tượng nhất của Cù Lao Chàm đó chính là nói không túi ni lông đã tạo nên một Cù Lao Chàm ấn tượng trong lòng du khách.
Một số hình ảnh ở Cù Lao Chàm:
Cầu cảng dẫn lên Cù Lao Chàm.
Xã đảo Cù Lao Chàm yên bình và thơ mộng. Nơi đây bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm.
Thanh bình biển Cù Lao Chàm. Xã đảo Cù Lao Chàm gần với Hội An, là điểm du khách có thể khám phá trong một ngày.
Âu thuyền ở Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Buổi chiều thơ mộng ở Cù Lao Chàm.
Ở Cù Lao Chàm, ngoài những bãi biển đẹp, còn có một ngôi chùa cổ tên là chùa Hải Tạng, được xây dựng từ năm 1758. Ngôi chùa toạ dưới chân một ngọn núi, mặt nhìn ra cánh đồng lúa duy nhất của hòn đảo.
Tượng Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát ở chùa Hải Tạng.
Khánh Nguyên