Bà Rịa-Vũng Tàu: 6 giải pháp giúp du lịch bật dậy
Cập nhật: 30/06/2020
Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có ngành du lịch.

Một góc thành phố Vũng Tàu (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, công tác phòng chống dịch bước đầu đã đạt những thành công, được thế giới ghi nhận.

Song song đó, ngành du lịch đã tập trung triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp để khôi phục thị trường, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phục hồi hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, các tỉnh, thành phố nên tăng cường liên kết, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi những bài học kinh nghiệm trong quản lý, xúc tiến kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch để các địa phương khác học hỏi, vận dụng; tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch.

Hai là, cần dựa trên đặc điểm của từng khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Các địa phương cần nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là việc quy hoạch để thu hút các trường đào tạo quốc tế. Đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo; phát triển mô hình khách sạn trường học để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ba là, cơ sở hạ tầng cần phát triển một cách đồng bộ. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ góp một phần quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trong dài hạn. Các nội dung ưu tiên thực hiện như: Tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực nhằm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm; đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, tạo không gian nghệ thuật tại các điểm, khu du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm, khu du lịch...

Bốn là, phát triển sản phẩm du lịch. Việc định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của từng vùng tạo sức hút đối với du khách khi đến mỗi địa phương là rất quan trọng. Ngoài ra, việc xây dựng các tour tuyến liên kết giữa các địa phương là cực kỳ cần thiết. Tránh phát triển tour tuyến cục bộ, thiếu sự liên kết. Liên kết với nhau sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm phong phú, đa dạng, mới lạ, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Năm là, coi trọng quảng bá, xúc tiến du lịch. Cần cùng nhau xây dựng giới thiệu đến du khách những sản phẩm đặc trưng cho toàn vùng, xây dựng thương hiệu, slogan cho toàn vùng chứ không làm một cách riêng lẻ như các địa phương đang làm hiện nay. Nhờ kết hợp cùng nhau quảng bá sẽ tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến, đồng thời tiết kiệm được chi phí.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Các địa phương cần nghiên cứu triển khai các ứng dụng phải gắn kết, tích hợp, chia sẻ thông tin qua lại, để cùng nhau phát triển, quản lý tốt mọi hoạt động của lĩnh vực du lịch.


Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Báo Người lao động