(TITC) - Trong những năm tháng chiến tranh, sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960) là một dấu son lịch sử, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phục vụ các đoàn khách du lịch ở trong và ngoài nước, đồng thời thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Bác Hồ thăm đảo Tuần Châu ngày 23-11-1963. Tại đây, Bác căn dặn “Phải biến đảo Tuần Châu thành đảo Ngọc Châu”. Ảnh tư liệu
Ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Đây là thời kỳ đất nước còn tạm thời bị chia cắt, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
Theo đó, Công ty Du lịch Việt Nam có nhiệm vụ đặt quan hệ và ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước để tổ chức cho khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam và khách Việt Nam ra du lịch nước ngoài. Hội đồng Chính phủ cũng giao Công ty Du lịch Việt Nam tổ chức và quản lý những cơ sở và những phương tiện cần thiết để phục vụ khách du lịch.
Nghị định 26 CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Ảnh tư liệu
Trên cơ sở Nghị định 26 CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 16/3/1963, Bộ Ngoại thương đã ban hành Quyết định số 164-BNT-TCCB quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức, Công ty Du lịch Việt Nam có Giám đốc, các Phó Giám đốc và các phòng: phòng Nghiệp vụ du lịch, phòng Kế hoạch, phòng Vận chuyển, phòng Tài vụ, kế toán, phòng Tổ chức, hành chính.
Đồng thời, văn bản của Bộ Ngoại thương cũng nêu rõ, theo mức độ phát triển của ngành Du lịch, sau khi được Bộ Ngoại thương đồng ý, Công ty có thể thành lập các đại diện của Công ty ở nước ngoài, các chi nhánh du lịch ở địa phương, các khách sạn và các phương tiện vận chuyển đặc biệt trực thuộc sự quản lý của công ty. Văn bản này thể hiện tầm nhìn sâu rộng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày đầu thành lập ngành Du lịch.
Bác Hồ trò chuyện với anh hùng phi công vũ trụ Titov và các bạn Liên Xô trên tàu tham quan vịnh Hạ Long, tháng 1/1962. Ảnh tư liệu
Thời kỳ này, đối tượng phục vụ của du lịch Việt Nam được cụ thể hóa gồm có: (1) Khách du lịch từ nước ngoài vào du lịch trong nước; (2) Khách du lịch ở trong nước đi du lịch nước ngoài; (3) Các đoàn thể cán bộ công nhân viên chức và nhân dân lao động Việt Nam đi tham quan nghỉ mát trong nước; (4) Những khách nước ngoài gồm: các đoàn ngoại giao, các nhân viên của các sứ quán, các cơ quan đại diện, chuyên gia, các đoàn thể và nhân dân nước ngoài trong thời gian công tác tại Việt Nam.
Hoạt động của du lịch Việt Nam được kỳ vọng phát triển nguồn thu ngoại tệ, tăng tích luỹ cho Nhà nước phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, tăng cường quan hệ giao dịch với các tổ chức du lịch nước ngoài góp phần nâng cao địa vị nước ta trên trường quốc tế.
Ngay từ lúc này, du lịch đã được nhận thức rõ ràng với vai trò là một ngành kinh tế mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với những nhiệm vụ cụ thể như: nghiên cứu tình hình du lịch quốc tế để khai thác kinh doanh du lịch; mở rộng các cơ sở và tuyến du lịch để thu hút khách du lịch và phục vụ các yêu cầu của khách du lịch trong nước trong phạm vi có thể; phối hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước và chỉ đạo các cơ sở du lịch địa phương để đảm bảo phục vụ khách du lịch nước ngoài về mọi mặt như: ăn ngủ, vận chuyển, giải trí, tham quan và làm các thủ tục giấy tờ, đổi tiền; tổ chức việc bán vé máy bay, xe lửa, tàu biển cho các khách kể cả khách ngoại quốc và khách Việt Nam đi ra nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Khu di tích lịch sử Côn Sơn tháng 2/1976. Ảnh tư liệu
Đồng thời, ngành Du lịch cũng có nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng với khách du lịch nước ngoài và khách du lịch trong nước những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, những thành tích cách mạng, công cuộc xây dựng kiến thiết xã hội chủ nghĩa và truyền thống đấu tranh anh dũng lâu đời của nhân dân ta; đề xuất quy hoạch kiến thiết, tu sửa, trang trí, bảo quản các danh lam thắng cảnh, các trung tâm du lịch (di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hoá, suối nước nóng, rừng nguyên thủy, rừng săn bắn...) nhằm phát triển kinh doanh về du lịch.
Bên cạnh đó, Công ty Du lịch Việt Nam cũng được giao đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ như cùng với các cơ sở du lịch địa phương tổ chức hướng dẫn tham quan cho khách du lịch trong nước, các thuỷ thủ tàu ngoại quốc cập bến Hải Phòng, Cửa Ông, Hồng Gai... Chỉ đạo các công ty cung ứng tàu biển địa phương về mặt nghiệp vụ, đôn đốc thực hiện tốt kế hoạch cung ứng tàu biển.
Công ty Du lịch Việt Nam còn có nhiệm vụ kinh doanh cung ứng các thực phẩm và một số hàng tiêu dùng cho các Đại sứ quán, đại diện thương mại của ta ở các nước tư bản chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa và một số nước ta chưa có đại sứ quán.
Đến ngày 18/8/1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 145 CP về việc chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam sang cho Phủ Thủ tướng quản lý, đánh dấu một bước chuyển mới trong tổ chức hoạt động của du lịch Việt Nam.
Nghị định nêu rõ chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam và các tổ chức, các cơ sở thuộc Công ty này do Bộ Ngoại thương quản lý sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đồng thời, chuyển các khách sạn Thống Nhất, Hoà Bình do Cục Phục vụ - Ăn uống Bộ Nội thương quản lý sang Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Phủ Thủ tướng quản lý.
Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện rất khó khăn khi đất nước còn chiến tranh, ngành Du lịch đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách, từng bước mở rộng các cơ sở du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… Ngành Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước Xã hội chủ nghĩa anh em vào giúp Việt Nam thực hiện 2 nhiệm vụ là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; đồng thời đón tiếp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của cán bộ, bộ đội và nhân dân.
Ngày 09/7/1960 đã trở thành dấu son lịch sử đối với những thế hệ người làm du lịch. Ngay từ những ngày đầu, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định cụ thể nhiệm vụ cụ thể và tầm nhìn cho ngành Du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 09/7 hàng năm đã được xác định là ngày truyền thống của ngành Du lịch Việt Nam./.
Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)