Reuters vừa có bài viết ca ngợi Việt Nam không những thành công trong việc kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19, mà du lịch còn đang trên đà hồi phục với số lượng khách nội địa tăng đáng kể. Trong khi đó, hoạt động du lịch tại New Zealand, một trong những quốc gia làm tốt công tác phòng, chống Covid-19 thì vẫn là một bức tranh ảm đạm.
Khách du lịch chụp ảnh trên cầu Thê Húc, Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau khi Việt Nam nới lỏng lệnh khóa Ảnh: Reuters
Bà Laura Douglas, chủ của một trang trại được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa ở phía nam New Zealand, nơi đã từng thu hút hàng trăm du khách nước ngoài mỗi tháng cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid đã khiến cho hoạt động kinh doanh của bà Laura Douglas phải dừng lại đột ngột vào tháng 3. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Laura Douglas chia sẻ rằng, bà đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng trong công việc kinh doanh của mình vì bị ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19. Laura Douglas phải làm bác sĩ thú y như một nghề tay trái để có thể chi trả những hóa đơn sinh hoạt hằng tháng trong giai đoạn Chính phủ New Zealand áp dụng lệnh khóa nghiêm ngặt, phong tỏa biên giới.
Theo nhận định của Reuters, sự phục hồi du lịch ở New Zealand sẽ diễn ra chậm chạp, trái ngược hoàn toàn với cách ngành du lịch phục hồi ngoạn mục ở Việt Nam, một quốc gia đã được rất nhiều cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông trên thế giới ca ngợi với câu chuyện thành công khi chiến đấu với bệnh dịch Covid-19. Việt Nam và New Zealand là hai quốc gia nổi lên từ khi áp dụng lệnh khóa nghiêm ngặt toàn đất nước cho đến lúc thành công trong việc kiểm soát bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi ngành du lịch New Zealand còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc chờ đợi đến thời điểm du khách quốc tế có thể quay trở lại, thì du lịch của Việt Nam đang hồi phục một cách nhanh chóng. Điều này là nhờ có các du khách nội địa giúp lấp đầy khoảng trống.
Theo số liệu từ công ty phân tích du lịch Cirium, tháng 7 thường là mùa du lịch cao điểm ở New Zealand, cùng với lễ Giáng sinh, nhưng các chuyến bay theo lịch trình đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí nhiều chuyến bay khác cũng đang bị hủy bỏ. Ở bên kia đại dương, câu chuyện của Việt Nam lại rất khác. Trong tháng 7, hơn 26.000 chuyến bay (tăng 16%) dự kiến sẽ vận chuyển 5 triệu hành khách (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái).
Nguyễn Thị Thúy Anh, chủ của một công ty lữ hành có tên “Minh Viet Booking” cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều phương án kích cầu du lịch nội địa. Cô cùng với các chủ doanh nghiệp lữ hành khác đều hưởng ứng theo chủ trương bằng việc thực hiện các chương trình giảm giá mạnh để thu hút khách du lịch địa phương. Giá vé và phòng khách sạn giảm làm cho việc đăng ký vé, đặt phòng tăng đột biến. Cô nói thêm, nhiều khách hàng chưa đủ tài chính để sử dụng các dịch vụ 5 sao khi chưa có khuyến mãi. Vì vậy, giá phòng giảm dẫn đến số lượng đặt phòng tăng lên ồ ạt.
Một phân tích của Reuters về dữ liệu chuyến bay từ FlightRadar24 (dịch vụ internet biểu thị thời gian thức của các chuyến bay) cho thấy, TP.HCM và Hà Nội, cùng với đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và vịnh Cam Ranh (Khánh Hoà) là những điểm đến hàng đầu của Việt Nam sau khi lệnh khóa được gỡ bỏ.
Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand đang kêu gọi các chủ doanh nghiệp xem xét đề xuất cho nhân viên làm việc bốn ngày một tuần và cho biết Chính phủ New Zealand đang tích cực tăng thêm các kỳ nghỉ lễ trong năm nay để khuyến khích người dân đi du lịch nhiều hơn. Bà Jacinda Ardern đã khởi động mùa trượt tuyết của quốc gia tại điểm du lịch của thị trấn nghỉ mát Queenstown, với hy vọng điều này sẽ thúc đẩy các chuyến du lịch nội địa. Nhiều người dân New Zealand cũng chú ý đến sự khuyến khích của bà và thực hiện các chuyến đi du lịch cuối tuần.
Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp lữ hành cho biết gói hỗ trợ trị giá 400 triệu đô la New Zealand (tương đương 256 triệu đô la Mỹ) được Chính phủ dành riêng để trợ cấp tiền lương và các chi phí khác cho ngành công nghiệp sẽ không đủ để vượt qua khủng hoảng trong khi khách du lịch nước ngoài vẫn bị cấm.
Bình Phương