Nhằm hỗ trợ các chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh phát triển du lịch ở các vùng nông thôn, UNWTO đã ban hành Khuyến nghị về phát triển du lịch ở khu vực nông thôn nhân kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới 27/9 với chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn”. Theo UNWTO, tính bền vững của du lịch ở khu vực nông thôn sẽ chỉ thành công nếu một chiến lược quy hoạch toàn diện, bao trùm được thực hiện dựa trên phương pháp tiếp cận đa hành động và có sự tham gia của nhiều bên.
Bìa bản Khuyến nghị phát triển du lịch ở khu vực nông thôn
Vai trò của du lịch ở khu vực nông thôn
Ở nhiều quốc gia, lợi ích của du lịch thường tập trung ở các khu vực thành thị và ven biển, từ đó gây ra sự phát triển không đồng đều giữa các vùng trong cùng lãnh thổ. Hơn nữa, hoạt động du lịch ở những điểm đến này thường đi kèm với các rủi ro như quá tải, phát triển không bền vững và gây ra những tác động tiêu cực lên đời sống xã hội và cộng đồng. Vì vậy, phát triển du lịch ở các vùng nông thôn giúp lan tỏa lợi ích rộng hơn giữa các vùng và dân cư, làm tăng sức hấp dẫn của khu vực nông thôn, phát huy được nhiều nguồn lực và truyền thống trong khi vẫn duy trì cuộc sống ở khu vực này. Du lịch cũng góp phần tôn vinh các giá trị ở nông thôn thông qua những trải nghiệm của khách du lịch theo một cách tích cực hơn.
Trên thực tế, cộng đồng trong khu vực nông thôn chưa được chuẩn bị để đối phó với các tác động của khủng hoảng. Do đó, việc hỗ trợ họ đối mặt với các tác động từ đại dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Du lịch ở các vùng nông thôn mang lại những cơ hội quan trọng để phục hồi ngành Du lịch khi du khách hiện nay có xu hướng tìm kiếm các điểm đến ít người hơn và có nhiều các hoạt động ngoài trời. Điều này mang lại những trải nghiệm chân thực hơn, sự tương tác mạnh mẽ hơn với cộng đồng, văn hóa và sản phẩm bản địa; mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực nông thôn thông qua du lịch.
Theo UNWTO, khoảng cách giữa phát triển thành thị và nông thôn càng được nới rộng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo Liên Hiệp quốc, đô thị hóa là xu hướng phổ biến trên toàn thế giới. Đến năm 2050, 68% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị, các thành phố sẽ sản xuất 85% sản lượng kinh tế toàn cầu. Xu hướng này trái ngược với thực tế là 80% những người sống trong nghèo khó là tại các cộng đồng nông thôn. Điều này dẫn tới việc con người tiếp tục có xu hướng di chuyển tới khu vực thành thị để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Khuyến nghị của UNWTO về phát triển du lịch ở khu vực nông thôn nhằm đảm bảo sự phân phối công bằng các lợi ích của du lịch, tăng cường tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, thúc đẩy hòa nhập xã hội và trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên và người bản địa. Thanh niên nông thôn là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất do thiếu việc làm. Gần 1 tỷ trong số 1,2 tỷ thanh niên từ 15-24 tuổi trên toàn thế giới sống ở các nước đang phát triển và 88% thanh niên ở các nước đang phát triển sống ở nông thôn; 75 triệu người trong số họ thất nghiệp. Du lịch sẽ góp phần làm cho các vùng lãnh thổ nông thôn dễ tiếp cận hơn cho cả người dân địa phương và du khách, từ đó mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khai thác sức mạnh của du lịch để thúc đẩy phát triển nông thôn sẽ còn góp phần nâng cao đóng góp của ngành Du lịch vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp quốc và thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc Đạo đức Du lịch toàn cầu.
Chủ đề Ngày Du lịch thế giới năm 2020: Du lịch và phát triển nông thôn
Khuyến nghị phát triển du lịch ở vùng nông thôn
Khai thác sức mạnh của du lịch để thúc đẩy phát triển nông thôn sẽ nâng cao đóng góp trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu Không đói nghèo, Bình đẳng giới, Việc làm phù hợp và Tăng trưởng kinh tế, Giảm bất bình đẳng, Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm… Trong quá trình đó đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược tổng hợp với tầm nhìn dài hạn. Các khuyến nghị của UNWTO tập trung vào việc phát triển kỹ năng, tiếp cận tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững, cải thiện quản trị và trao quyền cho phụ nữ…
“Du lịch đã được chứng minh là cứu cánh cho nhiều cộng đồng nông thôn, nhưng tiềm năng của khu vực nông thôn vẫn cần được khai thác hiệu quả hơn nữa. Ngày Du lịch Thế giới năm 2020 đã nhấn mạnh vai trò của Du lịch trong việc tiếp cận mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”, mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và bảo vệ di sản văn hóa nhân loại”, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili. |
Theo khuyến nghị của UNWTO, chính quyền ở các cấp độ quốc gia, khu vực và địa phương nên đặt Du lịch là một trong những trụ cột chiến lược của các chính sách phát triển nông thôn; xác định Du lịch là một lĩnh vực quan trọng của kinh tế nông thôn. Từ đó đưa ra chính sách và quy định phù hợp; đầu tư và khuyến khích phát triển, quản lý du lịch ở các vùng nông thôn một cách hiệu quả và bền vững. Điều này đặc biệt phù hợp vì phát triển du lịch có thể đóng góp quan trọng vào khả năng phục hồi kinh tế - xã hội của các cộng đồng nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Các tổ chức quốc tế cần tăng cường các mức hỗ trợ phát triển (ODA) cho du lịch như một phương tiện để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương ở các vùng nông thôn.
Cộng đồng nông thôn cần được tham gia đầy đủ vào các quá trình tham vấn và ra quyết định để lập kế hoạch, phát triển và quản lý du lịch ở các điểm đến nông thôn. Điều này sẽ cho phép họ có quyền sở hữu và lãnh đạo trong việc lập kế hoạch và quản lý điểm đến. Để làm được điều này cần có cơ chế đào tạo và phát triển kỹ năng cho cộng đồng địa phương, tập trung vào các kỹ năng thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số, kỹ năng xã hội và phát triển xanh để mang lại lợi ích thiết thực, đồng thời tôn trọng sự đa dạng và tư duy văn hóa ở các vùng nông thôn.
Các điểm đến ở khu vực nông thôn cần có khả năng kết nối và tiếp cận công nghệ. Đây là chìa khóa để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp và tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Điều này bao gồm số hóa các quy trình nhận / trả phòng không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm điện tử các sản phẩm và dịch vụ địa phương, thực đơn kỹ thuật số, v.v...
Phát triển du lịch ở khu vực nông thôn mang lại nhiều lợi ích
Phát triển các sản phẩm du lịch và trải nghiệm ở các vùng nông thôn cần dựa trên đánh giá khoa học và chính xác về xu hướng và nhu cầu mới của khách du lịch sau dịch bệnh Covid-19. Trong đó nên thúc đẩy phát triển những trải nghiệm mới chỉ có ở các vùng nông thôn, tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên và văn hóa trong môi trường an toàn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Mặt khác, cần khuyến khích phát triển các tuyến du lịch chuyên đề, chuyến đi đường bộ, kết nối các đảo và các tuyến liên kết các điểm đến nông thôn khác nhau để có cách tiếp cận hiệu quả hơn và mang lại giá trị gia tăng cho du khách. Cần thúc đẩy sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và giảm phát thải và chất thải thông qua việc sử dụng năng lượng sạch trong các hoạt động du lịch; hạn chế tiến tới cấm sử dụng sản phẩm làm từ nhựa và các chất có hại; thực hiện các chương trình tái chế và quản lý chất thải thực phẩm…
Tăng cường tiếp thị và quảng bá du lịch ở các vùng nông thôn trong bối cảnh nhiều du khách tìm đến sản phẩm du lịch ngoài trời, nơi ít người bởi dịch bệnh Covid-19. Trong quá trình quảng bá cần nhấn mạnh yếu tố đóng góp cho lợi ích của cộng đồng địa phương, tôn trọng điểm đến và sự hài lòng của chính du khách.
Lê Hải