Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Du lịch Hà Nội cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp...
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án quy mô lớn, phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Trong ảnh: Lễ hội “Thành phố Vì hòa bình” được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm năm 2019. Ảnh: Đỗ Tâm
Còn những khó khăn, hạn chế
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 10 năm qua, du lịch Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo".
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đánh giá, giai đoạn 2016-2019, du lịch Thủ đô là điểm sáng trên bản đồ du lịch của cả nước. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng nhanh và ổn định, mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu, trong đó khách quốc tế tăng gấp 2,15 lần. Năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô đóng góp 12,54% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Thủ đô Hà Nội cũng được các tổ chức du lịch quốc tế uy tín đánh giá, bình chọn nằm trong tốp các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới.
“Hà Nội từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện khá tốt 7 nhóm nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra, trong đó nổi bật là việc xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô. Nhiều sản phẩm, điểm đến đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi của du khách, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Các di tích, danh thắng: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò... thường xuyên có các sự kiện hấp dẫn phục vụ du khách”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành Du lịch Thủ đô cũng đang gặp phải một số tồn tại và khó khăn, khiến nhiều mục tiêu chưa thể thực hiện được trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch bị “tê liệt”, công suất sử dụng buồng, phòng khối khách sạn 9 tháng năm 2020 giảm tới 40,8% so với cùng kỳ năm 2019, hoạt động tại các điểm đến giảm từ 75% đến 80% khách. Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, ước tính cả năm 2020, Hà Nội chỉ đón được 14,08 triệu lượt khách.
Đánh giá thêm về nguyên nhân khiến ngành Du lịch Thủ đô còn gặp khó khăn trong việc hấp dẫn du khách, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Trong khi đó, theo chị Nguyễn Anh Thư (du khách ở thành phố Hồ Chí Minh ra tham quan Hà Nội), hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của Hà Nội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách.
Phát triển chiều sâu, đầu tư trọng điểm
Du khách chọn mua sản phẩm truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang
Để đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 13-14 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270-300 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Trần Trung Hiếu, để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, trước mắt, ngành Du lịch Thủ đô cần nỗ lực “vượt khó”, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19. “Các đơn vị phải thay đổi tư duy làm du lịch, mạnh dạn xây dựng sản phẩm mới phù hợp với chủ trương kích cầu du lịch nội địa, tiến tới phục vụ khách nước ngoài”, ông Trần Trung Hiếu nói.
Về lâu dài, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch quy mô lớn, trọng điểm, như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí (quận Tây Hồ)…
Bàn thêm về giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, cần chú trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” trên các kênh truyền hình quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế ngay khi điều kiện cho phép. Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Thu Hạnh góp ý, Hà Nội cần nâng cấp chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển chiều sâu, tạo dựng liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp lữ hành, xây dựng quy tắc ứng xử văn minh du lịch…
Đứng trước thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước “gỡ khó” để phục hồi và lấy lại đà phát triển. Với sự chung tay của thành phố và các doanh nghiệp, tin tưởng rằng, du lịch Hà Nội sẽ khởi sắc từ cuối năm nay, từ đó tiến tới hoàn thành mục tiêu: Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Hoàng Lân