(TCDL) - Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 đã diễn ra vào ngày 07/10/2020, với mục tiêu giải quyết các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, thúc đẩy sự phục hồi của du lịch và tối đa hóa đóng góp của ngành vào phát triển bao trùm và bền vững. Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Du lịch các quốc gia G20, Chủ tịch ASEAN (Việt Nam), một số quốc gia khách mời khác và người đứng đầu các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực du lịch như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội đồng Du lịch và Lữ hành (WTTC), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Toàn cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ngành du lịch và lữ hành đóng góp 10,3% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 330 triệu việc làm (trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa) trong năm 2019. Du lịch chiếm 28% xuất khẩu dịch vụ của thế giới năm 2019, và tác động đến nền kinh tế nội địa mạnh mẽ hơn so với xuất khẩu nói chung. Tuy nhiên, du lịch cũng là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với dự đoán khách du lịch quốc tế sẽ giảm từ 60-80% trong năm 2020.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức và cơ hội trong việc quản lý khủng hoảng đối với ngành du lịch. Để nâng cao năng lực ứng phó với khủng hoảng và nhanh chóng xây dựng lại niềm tin của khách du lịch, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt và truyền thông hiệu quả về khủng hoảng trong quá trình ứng phó và phục hồi của ngành sau đại dịch. Ngành du lịch G20 sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đồng thời sẽ phối hợp trong việc áp dụng và xóa bỏ các hạn chế đi lại tương xứng với tình hình trong nước và quốc tế.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng đánh giá cao những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ả Rập Xê Út và thông qua hai văn bản: (1) “Hướng dẫn G20 về Phát triển Cộng đồng Bao trùm Thông qua Du lịch” do UNWTO và Nhóm Công tác Du lịch G20 xây dựng; và (2) “Hướng dẫn G20 cho Hành động về Du lịch An toàn và Liền mạch” do OECD xây dựng.
“Hướng dẫn G20 cho Hành động về Du lịch An toàn và Liền mạch”
Du lịch an toàn và liền mạch có sự tương quan tức thì và cả dài hạn đối với nền kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện tăng trưởng, cải thiện sự bền vững và hỗ trợ các nền kinh tế địa phương và khu vực. Cung cấp chuyến du lịch an toàn và liền mạch đòi hỏi các chính sách phối hợp.
Hành động phối hợp quốc tế và việc hợp tác với các tổ chức quốc tế về các tiêu chuẩn và khả năng tương tác của công nghệ có thể giúp nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, đồng thời tăng cường an toàn và an ninh, vốn đặc biệt quan trọng trong thời điểm khủng hoảng như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Theo mục đích của Hướng dẫn này, Du lịch Liền mạch (Seamless Travel) được định nghĩa là: “Sự cung cấp trải nghiệm du lịch suôn sẻ, hiệu quả, an toàn, đảm bảo và thú vị từ điểm xuất phát của khách du lịch đến điểm đến, tại điểm đến và hành trình quay trở lại”.
Các hướng dẫn sau đây do OECD xây dựng sẽ giúp các quốc gia phát triển các mục tiêu về du lịch an toàn và liền mạch, đồng thời hưởng lợi từ nó:
1. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc du lịch liền mạch, trong dài hạn và là một phần của quá trình phục hồi sau COVID-19, như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, cũng như đẩy mạnh phát triển địa phương, nâng cao tính bền vững và quản lý khách du lịch tốt hơn.
2. Đảm bảo rằng quan điểm của ngành du lịch và lữ hành được phản ánh trong các chính sách và hành động ảnh hưởng đến du lịch đến và trong một quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ quản lý du lịch, an ninh quốc phòng và giao thông vận tải, cùng với các Bộ khác như y tế hoặc các Bộ có chính sách và hành động có thể ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch.
3. Hợp tác quốc tế thông qua diễn đàn phù hợp để tìm hiểu các tiêu chuẩn cho việc thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu về khách du lịch cho mục đích xác minh, truy tìm và quản lý danh tính, cân nhắc yêu cầu do các tổ chức quốc tế liên quan xây dựng về dữ liệu hành khách, tôn trọng luật và quy định dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền riêng tư của công dân.
4. Tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan về phương pháp đơn giản hóa thủ tục đi lại và thị thực trong khi vẫn đảm bảo an ninh, như sử dụng các thủ tục trực tuyến và tham gia các thỏa thuận song phương và đa phương, tùy thuộc vào các ưu tiên chính sách của mỗi Chính phủ, bao gồm cân nhắc về sức khỏe cộng đồng và thừa nhận quyền chủ quyền của các quốc gia để kiểm soát nhập cảnh của công dân nước ngoài.
5. Tìm hiểu các cách để thúc đẩy sử dụng căn cước du lịch số và sinh trắc học, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư dữ liệu quốc gia và luật chủ quyền dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế đã được đồng thuận, như thông qua hợp tác toàn cầu giữa các chính phủ và tổ chức quốc tế để cho phép ghi nhận và tương tác giữa các các hệ thống khác nhau.
6. Hợp tác quy hoạch và tổ chức giao thông và du lịch khi cung cấp các liên kết liền mạch giữa các phương thức vận chuyển khác nhau, từ đó mang lại lợi ích cho khách du lịch và người dân, nâng cao khả năng kết nối và sự bền vững của điểm đến.
7. Khuyến khích và hỗ trợ việc cung cấp thông tin thời gian thực (real-time) và các hỗ trợ khác cho khách du lịch, kể cả những người có nhu cầu đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, thông qua việc sử dụng công nghệ mới một cách sáng tạo, đồng thời vẫn duy trì dịch vụ chăm sóc khách hàng truyền thống.
8. Thiết lập, thường xuyên sửa đổi và thực hiện các chiến lược quản lý khủng hoảng khi cần thiết đối với ngành du lịch và lữ hành, việc này yêu cầu cần truyền thông rõ ràng và hiệu quả tới khách du lịch về các vấn đề an toàn, cũng như tìm kiếm sự phối hợp giữa các chính phủ với ngành du lịch về các tiêu chuẩn và thủ tục an toàn phù hợp cho khách du lịch.
9. Phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ nâng cao năng lực và đầu tư cho du lịch liền mạch, bao gồm băng thông rộng và phủ sóng Wi-Fi rộng rãi, các chương trình đào tạo toàn diện về kỹ năng số, truyền thông và chăm sóc khách hàng, cũng như các chương trình nghiên cứu liên quan để định hướng chính sách và hành động trong lĩnh vực này.
10. Ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, bao gồm các công ty công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ và vận chuyển, trong việc tạo điều kiện cho du lịch an toàn và liền mạch, cũng như tìm cách khuyến khích và xác định sự tham gia của họ thông qua các chính sách và quy định phù hợp và hình thành quan hệ đối tác công-tư (PPP).
Tố Linh - Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL)