Bây giờ thì thời cơ đã đến một cách rất rõ ràng với du lịch Sầm Sơn. Cơ sở cho niềm tin mới chính là một Nghị quyết mới và quyết tâm cao hơn từ những người có trách nhiệm.
Biển Sầm Sơn những ngày nắng hè thu hút rất nhiều du khách.
Cách đây gần chục năm ông Hoàng Khắc Nhu, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, phụ trách khối văn xã, đã nói rằng, Sầm Sơn hoàn toàn có thể trở thành đô thị du lịch bốn mùa, không phụ thuộc vào những ngày nắng biển.
Theo ông, ngoài dịch vụ tắm biển, Sầm Sơn có thể thu hút du khách vào những dịch vụ khác như nghỉ dưỡng, tập huấn thể thao, trải nghiệm mùa đông biển ấm, khám phá cảnh quan từ những di tích, danh thắng hay những làng chài…
Với trình độ chuyên môn bác sỹ, ông đã tiên phong thành lập một trung tâm dưỡng lão ở Sầm Sơn, mà theo ông đó chính là nền móng để có thể phát triển mạnh, thu hút nhiều hơn du khách đến với Sầm Sơn, không chỉ tắm biển, mà còn nghỉ dưỡng với thời gian lưu trú dài hơn, mức chi tiêu cao hơn.
Có lần đưa tôi đến một số cơ sở văn hóa trên địa bàn, ngang qua Hòn Trống Mái, những làng chài ở Quảng Tiến, Quảng Vinh, ông không ngần ngại mà nói rằng tài nguyên du lịch Sầm Sơn còn lớn lắm. Vấn đề là phải biết khai thác nó như thế nào. Mà để làm điều đó phải có nhận thức đúng, đồng bộ và quyết tâm đủ lớn.
Câu chuyện của ông Nhu cũng chính là tâm sự, mong muốn của nhiều lãnh đạo thị xã mà tôi từng diện kiến.
Trong những lần tiếp xúc, tôi đã nghe họ nói về viễn cảnh một Sầm Sơn thật tươi đẹp. Tôi và rất nhiều người đã chờ đợi và hy vọng Sầm Sơn sẽ sớm phá bỏ được thế đơn điệu độc mùa trong kinh doanh du lịch.
Thế nhưng cái khó cứ bó chặt lấy cái khôn, Sầm Sơn dù được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cả về cơ chế và nguồn lực, nhưng vẫn chưa thực sự trở thành một đô thị du lịch bốn mùa như nhiều đô thị du lịch biển khác. Việc phụ thuộc vào tắm biển cũng như việc thiếu sản phẩm du lịch chủ lực, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, đã tạo ra một thị trường du lịch thiếu ổn định và không lành mạnh, khiến cho thành phố một thời phải chịu những tai tiếng.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi thông thường ở những khu, điểm du lịch chịu sự chi phối của mùa, vụ, nhiều người kinh doanh du lịch thường có suy nghĩ tìm mọi cách để tăng thu nhập trong vụ du lịch nhằm trang trải cuộc sống cả năm, dẫn đến họ thường có những việc làm tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.
Sự hạn chế này cần phải chấm dứt để du lịch thực sự tạo ra hình ảnh đẹp, động lực thu hút và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Điều đó đã được chính quyền thành phố từng bước lập lại và đã đạt được kết quả bước đầu.
Trong từng bước chuyển mình nhằm vươn tới một thành phố du lịch trọng điểm, năng động, hấp dẫn du khách, ý tưởng về một đô thị du lịch Sầm Sơn bốn mùa thu hút khách quanh năm lại được quan tâm hơn. Vấn đề này này đã được người đứng đầu thành phố thông tin tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành phố biển Sầm Sơn có nhiều cơ sở lưu trú với những tiện ích không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà còn đảm bảo cho việc nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo.
Theo Bí thư Thành ủy Sầm Sơn - Lương Tất Thắng, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố ước đón 22,53 triệu lượt khách, chiếm trên 50% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh.
Hoạt động du lịch của thành phố đã có những đổi mới, từ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đến tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên như thế vẫn chưa thật tương xứng với tiềm năng, sự quan tâm và đầu tư.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức có hiệu quả nhiều sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn, những lễ hội mới, đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn như Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái, Lễ hội Carnival đường phố...
Những sự kiện này đã tạo ra hình ảnh mới, tăng sức hấp dẫn cho đô thị du lịch biển. Tuy nhiên, hoạt động giàu tính giải trí như thế chủ yếu lại diễn ra trong mùa du lịch biển. Những tháng còn lại trong năm chưa có hoạt động nào thực sự tạo được dấu ấn thu hút du khách.
Lễ hội Carnival đường phố được Thành phố Sầm Sơn tổ chức vào dịp khai trương mùa du lịch biển hàng năm.
Mới đây một dự án du lịch có giá trị lên tới cả tỷ đô la đã được doanh nghiệp du lịch mạnh đầu tư vào Sầm Sơn, hứa hẹn về một điểm đến hấp dẫn hơn từ cơ sở hạ tầng và những tiện ích du lịch.
Trong những năm sắp tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thành phố biển này. Nguồn lực vật chất sẽ làm diện mạo đô thị du lịch biển dần thay đổi. Và để du lịch Sầm Sơn phát triển hơn, bên cạnh đầu tư vật chất, cần phải có những cơ chế cụ thể và mang tính đặc thù.
Cao hơn nữa, là tư duy của lãnh đạo chính quyền phải theo kịp sự phát triển. Suy nghĩ của người kinh doanh du lịch sở tại phải thoáng đãng hơn, chấm dứt suy nghĩ thực dụng trên lưng du khách.
Cùng với đó thành phố cần xây dựng những chính sách hấp dẫn để định hướng, thu hút các dự án đầu tư vào các hạng mục công trình có lợi thế của thành phố, nhằm tăng sức hút để người dân đến Sầm Sơn nghỉ dưỡng, khám phá, tập huấn, hội thảo vào tất cả các mùa trong năm, chứ không nhất thiết chen chúc đến với biển Sầm Sơn trong những ngày hè nóng nực.
Trên cơ sở Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những yêu cầu thực tế đang đặt ra, Bí thư thành ủy TP Sầm Sơn - Lương Tất Thắng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở vật chất, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, trong đó có du lịch Sầm Sơn.
Bí thư Thành ủy Sầm Sơn Lương Tất Thắng tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về giải pháp để du lịch Sầm Sơn phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Theo ông, vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển du lịch. Phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Khi đa dạng các sản phẩm du lịch cùng với thay đổi được lề lối, tác phong trong kinh doanh du lịch của người dân, chắc chắn Sầm Sơn không chỉ là thành phố du lịch biển, mà còn trở thành thành phố của các chương trình nghệ thuật, lễ hội cả truyền thống lẫn hiện đại quanh năm.
Đây là điều không quá xa vời, mà trong tầm tay, tài nguyên có sẵn.
Thực hiện sớm điều đó sẽ góp phần thu hút khách nhiều hơn, thường xuyên hơn, đưa Sầm Sơn trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tập huấn thể thao chất lượng cao, nơi để tổ chức các hội nghị, hội thảo...
Dự án Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD do Tập đoàn Sun Group đầu tư vừa được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ góp phần thu hút khách đến với Sầm Sơn quanh năm.
Trở lại câu chuyện của Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Hoàng Khắc Nhu cách đây gần chục năm, chính ông đã thừa nhận rằng, để làm được điều mà ông và lãnh đạo thị xã lúc bấy giờ từng đề cập là khó, nhưng không phải là không thể.
Để hiện thực cần phải có quyết tâm vào cuộc một cách thật sự đồng bộ của cả chính quyền và người dân địa phương.
Thế nhưng cảnh “đồng sàng dị mộng” vẫn là điều khó tránh khỏi. Trong khi chính quyền từng bước nỗ lực đầu tư, thay đổi lề lối, tác phong, nâng cao hình ảnh đô thị du lịch, thì không ít người kinh doanh bởi những lợi ích cục bộ đã có những việc làm khiến cho tiến trình đổi mới của thành phố biển chưa thể chạm đích mong muốn.
Nói thật là không chỉ bây giờ, mà từ ngày ấy nhiều người có trách nhiệm đã tiếc cho tiềm năng của Sầm Sơn, tiếc về những điều từng ấp ủ, dành tâm huyết, nhưng chưa hiện thực được.
Nhưng bây giờ thì thời cơ đã đến với Sầm Sơn một cách rất rõ ràng.
Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định phát triển du lịch là mũi nhọn; tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, trong đó có trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn.
Đó là được xem như là “đòn bẩy” để tạo ra những bước nhảy vọt. Nguồn lực vật chất rồi sẽ được ưu tiên đầu tư, sự quan tâm chỉ đạo cũng sẽ nhiều hơn.
Cùng với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, chắc chắn thành phố và các doanh nghiệp du lịch sẽ phải tính đến việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, mới mẻ hơn, trong đó việc đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh vào phục vụ du khách là một gợi ý.
Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, hướng tới nguồn nhân lực du lịch chất lượng không chỉ đơn thuần phục vụ việc ăn, ở, giải trí, mà còn chăm sóc sức khỏe, tổ chức các dịch vụ có tính thời đại...
Đây là cơ sở để thành phố cùng với doanh nghiệp du lịch hiện thực khát vọng của mình, hướng tới một thành phố Sầm Sơn du lịch quanh năm như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long...
Lam Vũ