Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch cũng như đại diện các hãng lữ hành thường xuyên đưa khách đến, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng lớn, du lịch Bình Thuận vẫn đang tiếp tục hấp dẫn du khách từ tiềm năng thiên nhiên phong phú và đa dạng…
Du khách tham quan Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Ảnh: Đ.Hòa
Tiềm năng phong phú
Bình Thuận có khí hậu nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng ấm, không khí trong lành, mát mẻ, nhiệt độ ôn hòa (trung bình 270oC), lượng mưa thấp đã tạo môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch quanh năm. Bình Thuận còn có hệ sinh thái động thực vật phong phú về chủng loại có giá trị cao phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Nhiều mỏ nước khoáng có trữ lượng khá dồi dào, độ nóng cao, có tiềm năng phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh như suối nước khoáng Vĩnh Hảo (Tuy Phong), suối nước nóng Bưng Thị và khoáng nóng Phong Điền (Hàm Thuận Nam), suối nước khoáng Đakai (Đức Linh).
Với 192 km chiều dài bờ biển Bình Thuận có nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh, bãi biển với những bãi cát trắng, nước trong xanh, tạo nên nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như Cù Lao Câu, Bình Thạnh, Gành Son (Tuy Phong), Bàu Trắng (Bắc Bình), bãi biển Đồi Dương - Thương Chánh, Rạng, Mũi Né – Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), Mũi Điện – Kê Gà, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), Đồi Dương, Hòn Bà, Ngảnh Tam Tân, Cam Bình (La Gi). Bên cạnh đó, Bình Thuận còn rất “giàu có” tài nguyên du lịch nhân văn như: Đá Ông Địa, Lầu Ông Hoàng, quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh (Phan Thiết), chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam); các lễ hội… tất cả đã tạo thuận lợi cho ngành du lịch tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng quanh năm.
Bình Thuận còn là tỉnh sở hữu nhiều cái “nhất”. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - VIETKINGS đã chính thức xác lập 16 kỷ lục Việt Nam tại Bình Thuận như: địa phương có resort - hotel nằm dọc biển nhiều nhất, đồi cát Mũi Né thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất, bãi đá Cổ Bình Thạnh có hình dạng, màu sắc nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân lớn nhất, Phan Thiết là địa phương có thương hiệu sản xuất nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Bình Thuận là địa phương có diện tích cây thanh long lớn nhất… Ngoài ra, VIETKINGS còn công nhận một số món ăn ngon của Bình Thuận như: nước mắm Phan Thiết, thanh long, lẩu thả, răng mực, mực một nắng, bánh canh chả cá và bánh căn.
Xây dựng thương hiệu
Vài năm gần đây, do biết khai thác những tiềm năng và lợi thế, ngành du lịch Bình Thuận đã có bước phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động địa phương. Hiện Bình Thuận vẫn là một trong những địa phương có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư về du lịch với trên 300 dự án du lịch còn hiệu lực, trong đó có khoảng 150 dự án đang hoạt động. Các dự án đầu tư không chỉ tập trung ở TP. Phan Thiết, mà đã mở rộng đến vùng ven biển Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, La Gi. Đặc biệt, Bình Thuận giờ đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính như Tập đoàn FLC, TMS, Dubai Việt Nan, TTC, Novaland...
Sự phát triển của ngành du lịch đã tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác góp phần nâng cao vị thế của Bình Thuận. Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển các tuyến, điểm tham quan du lịch, tỉnh cũng triển khai việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống để thu hút và giữ chân du khách. Cùng với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế với Khu du lịch quốc gia Mũi Né, một trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia để tiếp tục hấp dẫn du khách khắp nơi. Và thương hiệu Mũi Né - Bình Thuận sẽ ngày càng nổi tiếng, khẳng định con đường phát triển xanh và bền vững trong thời gian đến.
Nguyên Vũ