Du lịch Bình Liêu đang có nhiều đổi thay, phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách đặc biệt giới trẻ về trải nghiệm. Không ít trong số các chương trình tham quan, trải nghiệm là du lịch gắn với giáo dục truyền thống.
Nguồn tài nguyên quý
Là huyện vùng cao biên giới, Bình Liêu có 43km biên giới, có cửa khẩu Hoành Mô và nhiều di tích lịch sử. Điều đặc biệt là các điểm này không chỉ là các thắng cảnh đẹp mà còn là các địa điểm linh thiêng, nơi ghi dấu quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được người dân và du khách coi trọng, tôn thờ. Có thể nói đây là nguồn nguyên liệu quý để phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống.
Bình Liêu có đường tuần tra biên giới, cột mốc quốc gia và nhiều di tích lịch sử có cảnh quan đẹp khác.
Điểm đầu tiên dễ thấy nhất chính là đình Lục Nà, di tích lịch sử là nơi thờ Hoàng Cần, một tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc xâm lăng đất nước ta. Sự tích kể rằng, ngày xưa khi người Tày ở vùng Đông Bắc Tân Yên (Bình Liêu ngày nay) đang sinh sống yên ổn thì giặc từ phương Bắc kéo đến xâm lược, gây nên bao cảnh tang tóc đau thương.
Ở một làng nọ có chàng trai người Tày tên là Hoàng Cần đã dấy binh đánh giặc. Với chiếc gậy tre trong tay tả xung hữu đột, ông đã làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân huyện Bình Liêu lập đền, dựng đình và tôn ông làm Thần hoàng làng. Đình được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Ngày nay, lễ hội đình Lục Nà được duy trì tổ chức đều đặn, là lễ hội lớn trong vùng với nhiều hoạt động đặc sắc.
Huyện Bình Liêu còn có không ít thắng cảnh đẹp hùng vĩ là nơi ghi dấu tích lịch sử. Trong số đó có đỉnh Cao Ba Lanh. Cao Ba Lanh là dãy núi hùng vĩ cao hơn 1.000m. Không chỉ vậy, Cao Ba Lanh còn có không gian rộng, bằng phẳng, không khí trong lành. Trên đỉnh núi có hai hồ nước tự nhiên, diện tích 0,2-1ha, có nhiều bãi đá với hình thù khác lạ nằm trong lòng hồ nước và nằm xem kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên. Núi Cao Ba Lanh gắn với truyền thuyết dân gian về “Bãi đá thần” giúp xua đuổi giặc cướp...
Bình Liêu còn có hệ thống đường tuần tra biên giới, cột mốc quốc gia với cảnh quan hùng vĩ, tuyệt đẹp, được du khách, đặc biệt giới trẻ yêu thích. Đó là hệ thống đường biên dài hơn 43km, nằm trên độ cao 700m (so với mực nước biển) trong đó đáng chú ý là các cột mốc 1316, 1305... ở các điểm cao, có cảnh quan khoáng đạt, tuyệt đẹp. Tuyến đường biên giới Bình Liêu nay trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách, trở thành điểm check-in nức tiếng.
Tham quan đường biên, cột mốc, du khách sẽ được trải nghiệm cảnh đẹp bốn mùa với từng nét riêng biệt. Mùa xuân tươi đẹp đầy sức sống với các loại hoa rừng nở rộ; mùa hè, mùa thu là màu xanh bát ngát của rừng thông, hồi; mùa đông là mùa hoa lau nở, mùa cỏ cháy biên giới. Không chỉ cảm nhận vẻ đẹp, sự hùng vĩ miền biên giới của Tổ quốc, tới đây chạm tay vào cột mốc, du khách sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, lòng tự hào về Tổ quốc thân yêu.
Không chỉ vậy, Bình Liêu còn có nhiều địa danh đẹp, giàu tính lịch sử nằm giữa các bản làng bình yên hoặc thắng cảnh đẹp của vùng cao giàu bản sắc văn hoá, như: Đỉnh Cao Xiêm, nơi còn nhiều dấu tích về quá trình bảo vệ Tổ quốc; Bản Sú Cáu, nơi thành lập chi bộ Đảng huyện Bình Liêu; Cột mốc và cửa khẩu Hoành Mô... cùng một số địa danh là nơi đóng quân của bộ đội ta trong suốt quá trình chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc.
Thức dậy tiềm năng du lịch
Để khơi dậy tiềm năng du lịch của các cảnh điểm trên, thời gian qua, huyện Bình Liêu có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể. Chia sẻ vấn đề này, đồng chí Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: Bình Liêu cũng là vùng cao biên giới ghi dấu quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc kiên cường của quân dân Bình Liêu các thế hệ. Ngày nay, sống trong hoà bình, chúng ta càng phải trân trọng sự no ấm, bình yên đó. Bình Liêu đã tập trung các nguồn lực để quảng bá, phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống qua các chương trình tham quan thắng cảnh, vừa có tác dụng giới thiệu về lịch sử, giáo dục truyền thống cho người dân, du khách.
Đình Lục Nà và các danh thắng, di tích lịch sử được huyện Bình Liêu quan tâm đầu tư khang trang, tạo thuận lợi cho du khách tham quan.
Có thể thấy, nhờ hiệu quả quảng bá, quy hoạch sản phẩm du lịch rõ ràng, thời gian gần đây, du lịch Bình Liêu đã có những đổi thay, trở thành một điển hình tiêu biểu cho phát triển du lịch, đặc biệt du lịch mùa đông. Đây cũng là điểm nổi bật, cách làm hay để quảng bá du lịch gắn với giáo dục truyền thống.
Cụ thể, từ năm 2015, Bình Liêu đã sớm đưa 3 điểm chính gồm: Đình Lục Nà, đỉnh Cao Ba Lanh, đường tuần tra biên giới vào danh sách các điểm du lịch của huyện trình UBND tỉnh công nhận. Đồng thời, huyện cũng đưa các điểm di tích danh thắng trên vào 4 tuyến tham quan chính, kết hợp với các thắng cảnh đa dạng khác.
Điều này, tạo ra các tour du lịch hấp dẫn, trong đó, các thắng cảnh, di tích lịch sử trên là điểm nhấn quan trọng. Như vậy, du khách tới Bình Liêu có thể tham quan các thắng cảnh đẹp đồng thời hiểu sâu hơn về lịch sử, tạo sức hút, hấp dẫn cho tour, tuyến mà không gây nhàm chán khi tham quan các di tích lịch sử.
Huyện cũng chú trọng phát triển loại hình du lịch này thông qua giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh trong và ngoài huyện. Theo đó, huyện cũng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các chương trình phù hợp với từng đối tượng tham quan, như: Cựu chiến binh, học sinh…
Các chương trình tham quan này đều được huyện bố trí các lực lượng, đơn vị hỗ trợ tốt. Đối với học sinh, huyện gắn giáo dục quốc phòng với du lịch giáo dục truyền thống, thường niên định hướng, tổ chức các chương trình lao động kết hợp với tham quan, nghe giới thiệu về truyền thống, lịch sử ở các điểm trên.
Điểm đáng chú ý là Bình Liêu rất nỗ lực đầu tư hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách tới tham quan. Có thể thấy những di tích danh thắng trên, không ít địa danh nằm ở vị trí cao, thế nhưng, tới nay nhiều điểm cao đã có diện mạo khang trang, giao thông thuận tiện.
Tiêu biểu là đường lên cột mốc đã được huyện Bình Liêu quan tâm đầu tư. Tới năm 2015, Bình Liêu đã cơ bản làm xong tuyến đường vành đai biên giới. Huyện cũng đã hoàn thành các tuyến đường lên các cột mốc 1305, 1327, 1322, 1307,1302… trong vài năm gần đây.
Vừa qua, huyện cũng đã khánh thành Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trên đỉnh Cao Ba Lanh. Công trình có diện tích 275m2, với tổng mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng. Được biết thời gian tới huyện cũng sẽ tiến hành khảo sát đầu tư tuyến đường lớn để các phương tiện và du khách có thể dễ dàng lên tham quan di tích thắng cảnh này.
Hướng dẫn viên tại điểm và hệ thống đường giao thông thuận lợi giúp chuyến tham quan lên các cột mốc quốc gia của du khách trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn.
Với cách làm này, du lịch gắn với giáo dục truyền thống, trong đó nâng cao giá trị của các di tích, danh thắng ở Bình Liêu đã có những bước tiến đáng kể. Du khách biết nhiều hơn tới Bình Liêu, tới những điểm di tích đẹp và giàu ý nghĩa lịch sử.
Ngoài ra, nhiều hãng lữ hành lớn quan tâm tới loại hình du lịch biên giới, du lịch gắn với giáo dục truyền thống này như: Vietravel, Công ty CP Du lịch Hà Nội, Công ty Du lịch dịch vụ Hòn Gai, Halotour… Theo thống kê sơ bộ gần đây, trung bình lượng khách du lịch tham quan các điểm di tích lịch sử, du lịch biên giới đạt khoảng 60.000 lượt khách/năm.
Được biết, hiện huyện Bình Liêu đang xây dựng quy hoạch phát triển du lịch. Trong đó, huyện định hướng, thúc đẩy các sản phẩm du lịch cụ thể và chất lượng tốt hơn' sẽ quan tâm, khuyến khích loại hình du lịch gắn với giáo dục truyền thống; tiến tới xây dựng bài bản hơn với lực lượng hướng dẫn viên, các bài thuyết minh quy củ... để du lịch gắn với giáo dục truyền thống phát triển, lan toả rộng hơn.
Tạ Quân