Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 với chủ đề “Miền di sản” diễn ra ngày 26/12/2020, tại khu vực bờ vịnh Bái Tử Long, thuộc dự án Green Dragon City do Tập đoàn TTP là chủ đầu tư, được xem là hoạt động khởi đầu cho việc hiện thực hoá Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, vừa được UBND tỉnh ký quyết định ban hành vào cuối năm vừa qua.
Hướng đến thị trường cao cấp, chất lượng cao
Xét về tính hấp hẫn chắc không ai bàn cãi, bởi áo dài vốn là nét văn hoá truyền thống của dân tộc, tôn nên nét đẹp người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, các nhà thiết kế hàng đầu cả nước thông qua 17 bộ thiết kế đã kể câu chuyện về những di sản thiên nhiên, văn hoá của Quảng Ninh bằng sự sáng tạo độc đáo, ý nghĩa, đầy tính nghệ thuật giữa không gian tự nhiên của vùng Vịnh Bái Tử Long.
Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập Rừng trúc Yên Tử của NTK Trần Thiện Khánh, tại Festival Áo dài Quảng Ninh 2020. Ảnh: Nguyễn Dung.
Sản phẩm du lịch mới này dù lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Đây rõ ràng là một sản phẩm hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hoá truyền thống, lại vừa có tính nguyên sơ, hấp dẫn, độc đáo của các giá trị tự nhiên, tính tiện nghi, hiện đại của giá trị sáng tạo từ KHCN và trí tuệ nhân tạo, theo quan điểm của Đề án kể trên.
Du lịch biển đảo vốn là thế mạnh lâu nay của Quảng Ninh, tuy nhiên việc phát triển chưa thật đồng đều giữa các vùng, miền. Nhiều chuyên gia đều khuyến cáo về sự khai thác quá mức tại khu vực vùng lõi Vịnh Hạ Long, trong khi đó các khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô cũng rất giàu tiềm năng nhưng chưa phát triển đáng kể.
Việc thực hiện Đề án lần này nhằm mở rộng không gian du lịch biển đảo ra các địa phương lân cận, kéo giảm sự chênh lệch này. Theo đó, xác định các sản phẩm có tính kết nối giữa các khu vực lân cận; phải thực sự độc đáo, khác biệt đảm bảo tiêu chí “hấp dẫn, sang trọng, mới lạ, sinh thái, bền vững”, góp phần giảm tải cho vùng lõi của di sản Vịnh Hạ Long và có năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.
Với đề án này, Quảng Ninh hướng đến những thị trường cao cấp, sản phẩm chất lượng cao. Theo đó, việc phát triển du lịch các khu vực này được xác định phải dựa trên nguyên tắc kết hợp giữa thiên nhiên, văn hoá, con người và xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 để hình thành nên chuỗi các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; hướng tới đáp ứng các thị trường du lịch cao cấp, có khả năng chi trả cao… Chú trọng phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch.
Quảng Ninh hướng đến những thị trường cao cấp, sản phẩm chất lượng cao trong phát triển du lịch biển đảo. Ảnh: Khu du lịch sinh thái Cô Tô Village trên đảo Cô Tô.
Sản phẩm đặc thù cho từng không gian du lịch
Hệ thống các sản phẩm du lịch biển, đảo theo Đề án được chia theo 3 không gian chính: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn, quần đảo Cô Tô.
Trong đó, không gian du lịch Vịnh Hạ Long tiếp tục phát triển các sản phẩm phong phú là thế mạnh đã có, như: Tham quan vịnh bằng tàu du lịch, thuỷ phi cơ, máy bay trực thăng, khinh khí cầu... Du lịch tàu biển, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hoá cư dân vùng biển Hạ Long. Du lịch tham quan kết hợp lưu trú trên các tàu du lịch, tàu nhà hàng nổi. Du lịch gắn với thể thao như chèo đò, kayak, đua thuyền buồm, leo núi… Du lịch tắm biển cao cấp ở các bãi tắm nhỏ trên đảo.
Bên cạnh đó là các sản phẩm dựa trên khai thác các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, văn hoá, lịch sử; thưởng thức âm nhạc, văn hoá nghệ thuật, ẩm thực tiệc đêm trong các hang động, trên bãi cát không nằm trong vùng lõi di sản thế giới. Nơi đây cũng khai thác các sản phẩm của du lịch hiện đại như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, các sản phẩm du lịch đô thị, du lịch MICE…
Du lịch văn hoá tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch trong không gian du lịch Bái Tử Long – Vân Đồn. Ảnh chụp tại chùa Cái Bầu, Vân Đồn.
Không gian du lịch Bái Tử Long – Vân Đồn bên cạnh các sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh, sinh thái Vịnh Bái Tử Long bằng tàu, thuyền và các phương tiện bay còn mở rộng tham quan, lưu trú trên Vịnh bằng tàu du lịch; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch gắn với văn hoá, thể thao; du lịch nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng kết hợp chữa bệnh; du lịch vui chơi giải trí cao cấp.
Các giá trị đặc thù của vùng vịnh này cũng được khai thác đưa vào các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hoá tâm linh, du lịch văn hoá cộng đồng làng chài; các sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm Thương cảng cổ Vân Đồn; du lịch sinh thái nghiên cứu đa dạng sinh học vườn quốc gia Bái Tử Long.
Không gian du lịch Cô Tô đi vào khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thể thao cao cấp. Du lịch tham quan, trải nghiệm, phám phá, sinh thái gắn với các cảnh quan bờ biển tại con đường Tình yêu, bãi đá Móng Rồng, bãi Vàn Chảy, đảo Cô Tô con, vụng Ba Châu, bãi Hải Quân, khu trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trạm hải đăng, hồ Trường Xuân; nghiên cứu đa dạng sinh học.
Nhà thờ họ đạo Thanh Lân là một trong những điểm du lịch văn hoá được xây dựng trong Đề án tổng thể về quản lý, phát triển du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long -Vân Đồn - Cô Tô.
Đặc biệt, nơi đây còn nghiên cứu phát triển du lịch thuỷ cung, du lịch tàu ngầm bên cạnh du lịch văn hoá gắn với di tích lịch sử, lễ hội truyền thống (tại khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo, khu di tích Đồn Cao, chùa Cô Tô, nhà thờ họ đạo Cô Tô, Thanh Lân). Các mô hình du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “Hành trình biển đảo quê hương” được duy trì. Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với cuộc sống người nông dân, ngư dân trên đảo (câu cá, mực đêm, trải nghiệm làng chài ven biển…).
Mục tiêu cao, toàn diện
Việc hoàn thiện, phát triển không gian du lịch Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặt ra những mục tiêu khá cao. Gần nhất là mục tiêu đến năm 2025 với tổng số khách du lịch đạt 21 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 6 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 50.600 tỷ đồng; tạo việc làm cho 170.000 lao động, trong đó có 80.000 lao động trực tiếp. Những con số này trong 5 năm tiếp theo sẽ tiếp tục có sự gia tăng cao hơn.
Không gian du lịch Vịnh Hạ Long tiếp tục phát triển các sản phẩm thế mạnh, trong đó có tham quan vịnh bằng tàu du lịch.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Đề án nêu ra 9 nhóm giải pháp lớn, quan trọng để triển khai thực hiện. Trong đó, với 3 không gian du lịch chính được đề cập, rõ ràng ngoài Hạ Long thì du lịch biển đảo khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, về đầu tư, Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch; các sản phẩm du lịch mới đặc thù thuộc địa bàn khó khăn, vùng xa, hải đảo. Tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đảo…
Việc xúc tiến quảng bá và phát triển ưu tiên cả thị trường nội địa và nước ngoài (khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt). Tập trung ưu tiên phát triển và thu hút các nhóm thị trường cao cấp, có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng khách thương mại, du lịch MICE kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng. Nghiên cứu những xu hướng, diễn biến mới của các thị trường mục tiêu làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh về sản phẩm du lịch biển, đảo Quảng Ninh một cách hiệu quả…
Đề án cũng khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng… trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và tài nguyên rừng, biển. Chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ở các làng chài và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch ở chính nơi họ sinh sống, cùng chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch…
Ngọc Mai