Từ việc học tập thế hệ đi trước như một cách khai bút đầu xuân, những năm gần đây, giới mỹ thuật đương đại nước nhà đang tạo nên phong trào sáng tác tranh, tượng mỗi khi Tết đến, Xuân về. Không chỉ vậy, họ dần đưa tranh, tượng Tết vào thị trường, đem lại phong vị ngày xuân khác biệt cho người yêu nghệ thuật Việt Nam, góp sức đổi mới, thúc đẩy đời sống mỹ thuật nước nhà phát triển.
Khách tham quan “Triển lãm mỹ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021” của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thụy Du
Đậm phong vị ngày xuân
“Triển lãm mỹ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021” của Hội Mỹ thuật Việt Nam không tổ chức khai mạc, nhưng vẫn đang mở cửa đón công chúng tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm). Không khí tĩnh lặng của phòng tranh lớn với 167 tác phẩm tranh, tượng đa chất liệu, thuận lợi cho người yêu tranh cảm nhận rõ phong vị mùa xuân đậm đà trong từng tác phẩm. Còn trong số hơn 80 tác phẩm của triển lãm “Đón trâu vàng 2021” dịp đầu năm mới của nhóm họa sĩ G39 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), ngay trong ngày đầu đã có đến một nửa được gắn nơ đỏ, thể hiện tác phẩm đã có chủ. Triển lãm “Gốm Tết 2021” tại Ceramic Art Space (số 232 Giang Cao, Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cũng góp hàng trăm tác phẩm tươi mới trong những ngày đón Xuân Tân Sửu. Đây chỉ là một phần trong đời sống sáng tác sôi nổi của giới nghệ thuật tạo hình Việt Nam gần đây.
Đón năm mới, các nghệ sĩ chọn sáng tác nhiều nhất về con giáp biểu trưng của năm. Hình tượng con trâu của năm Tân Sửu được giới mỹ thuật đánh giá có tạo hình đẹp, lại gần gũi với làng quê Việt Nam, gắn với sự cần cù, khỏe mạnh, được các nghệ sĩ đưa vào tác phẩm như một lời chúc sức khỏe dồi dào, sự nghiệp tiến tới. Họa sĩ Tào Linh mang 6 bức tranh vừa khô màu đến triển lãm “Đón trâu vàng 2021”. Dịp Tết năm nay, họa sĩ sáng tác khoảng 40 tác phẩm, hầu hết đã có người sở hữu. Ông thể hiện hình tượng con trâu theo phong cách lập thể, với gam màu nóng như đỏ, cam, vàng, hồng… để tạo niềm vui, cảm xúc tích cực cho người xem. Trong khi đó, họa sĩ Lê Thiết Cương kết hợp với nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đưa họa tiết con trâu vào thiết kế áo bông truyền thống. Theo nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, phong cách vẽ tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương rất thích hợp với thiết kế thời trang, đặc biệt, con trâu do ông tạo hình rất sinh động, bật lên sự may mắn, bình an.
Nhắc đến hình tượng con trâu trong mỹ thuật, đa phần giới trong nghề đều biết tới họa sĩ Lê Đình Nguyên - người được mệnh danh là Nguyên “trâu”. Năm nay, họa sĩ chọn điêu khắc trâu trên chất liệu gốm Bát Tràng. Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát thì gây ấn tượng với bộ 1.010 con trâu làm từ gỗ với màu sắc tươi sáng, trưng bày ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Tương tự, các họa sĩ tên tuổi như Thành Chương, Đỗ Phấn, Lê Trí Dũng, Phạm An Hải, Hoàng A Sáng… cũng giới thiệu những hình tượng con trâu đa sắc màu dịp năm mới. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ lại chọn những hình ảnh về mùa xuân, ngày Tết cho tác phẩm của mình. Như họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) khai thác những hình tượng văn hóa dân gian là bình vôi, chú Tễu với phong cách đương đại; họa sĩ Lê Tuyết tái hiện mùa xuân rạng rỡ Tây Bắc; họa sĩ Lê Ngọc Hân có tác phẩm gốm “Ngẫu hứng mùa xuân” trong trẻo…
Khách tham quan triển lãm “Gốm Tết 2021” tại Ceramic Art Space (huyện Gia Lâm). Ảnh: Anh Vũ
Tín hiệu cuộc đổi mới mỹ thuật thứ hai
Đứng ra tổ chức triển lãm mỹ thuật Tết đều đặn nhiều năm nay, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, người Việt Nam hiện nay có nhu cầu thưởng thức, sở hữu và sử dụng tác phẩm mỹ thuật gia tăng, nhất là dịp Tết, vì thế thị trường những ngày này khá sôi động. Cùng quan điểm, họa sĩ Tào Linh cho biết, năm qua, mọi lĩnh vực đều gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng giới mỹ thuật đã xoay chuyển, tận dụng thời gian này để đầu tư sáng tác, đem lại lượng tác phẩm dồi dào và chất lượng. Mùa xuân năm nay, cả nước tiếp tục "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn và mong muốn được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật, như hội họa, điêu khắc.
Là người nhiều năm có thú vui thưởng lãm tranh, tượng, ông Hoàng Trọng Huy (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) nhận xét: “Các tác phẩm mỹ thuật sáng tác gần đây đa dạng, có tạo hình đẹp, gây thiện cảm, giá cả lại hợp lý, nên tôi sẽ chọn mua một số tác phẩm để làm mới không gian gia đình”.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, qua không gian xuân mà các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mang đến dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có thể khẳng định, mỹ thuật Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thực hiện cuộc đổi mới lần thứ hai. “Không khí sáng tác nhiệt huyết, triển lãm sôi nổi, thị trường minh bạch, nhu cầu đời sống cao… và quan trọng là có được dòng chảy thế hệ nối tiếp tràn ngập năng lượng, đa dạng phong cách, hứa hẹn tạo nên diện mạo mới cho mỹ thuật đương đại trong năm 2021”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Tuy nhiên, để có được bước chuyển mình thành công, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, bản thân các nghệ sĩ phải tự vận động tại chính địa phương mình, tận dụng chất liệu truyền thống, tiếp tục bước sâu vào hiện thực đất nước để tạo nên những tác phẩm chất lượng, xứng tầm. Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ có trách nhiệm nhận diện xu thế nghệ thuật đương đại để hướng nghệ sĩ tiếp cận, đồng thời tích cực lựa chọn, giới thiệu những nghệ sĩ mới và tác phẩm của họ tại các triển lãm, sàn nghệ thuật trong và ngoài nước…
An Nhi