Sơn La: Múa chuông - Điệu múa linh thiêng của người Dao Tiền Vân Hồ
Cập nhật: 17/02/2021
Trong các nghi lễ, tín ngưỡng của người Dao Tiền ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, đồng bào coi múa chuông là điệu múa linh thiêng. Bà con cùng nhau gìn giữ điệu múa này từ thế hệ này đến thế hệ khác, như nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình. 

Với đồng bào Dao Tiền ở Vân Hồ, Sơn La, múa chuông là một trong những điệu múa chính trong các nghi lễ của đồng bào. Tết nhảy, lễ lập tịch (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành), tết thanh minh, tiễn đưa người mất, cầu mùa đều có múa chuông… Đặc biệt, múa chuông trong tết nhảy của người Dao Tiền được coi như một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương đã cứu rỗi dân làng ngoài biển năm xưa. Múa chuông để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.

Bà Bàn Thị Vinh, dân tộc Dao, người dân ở bản Suối Lìn cho biết: từ khi còn bé, bà đã tiếp xúc với các điệu múa chuông của dân tộc và được ông bà, cha mẹ truyền dạy, hướng dẫn. Đã là người Dao tiền, ai ai cũng biết múa chuông. Khi múa chuông thường là múa tốp có thể tốp nữ hoặc nam 8 người; hoặc tốp 8 nam, 8  nữ. Nói về nhịp điệu múa chuông, bà Vinh cho biết: tay phải cầm chuông lắc từ trong ra ngoài, tay trái cầm que, đưa đi 3 nhịp, đưa lại 3 nhịp, chân nhún lùi lại một bước, nhún tiếp 3 nhún, đi theo vòng tròn ba bước từ trái sang phải, rồi xoay tròn về vị trí ban đầu và cứ thế múa liên tục cho đến khi hết các bài hát. Khi chuẩn bị kết thúc nhịp múa mọi người chuyển đội hình từ vòng tròn thành các hàng ngang. Nhịp cuối tất cả mọi người cùng hú to. Bà Vinh cho biết thêm: “Múa chuông là một nét văn hoá độc đáo của đồng bào Dao Tiền, được duy trì từ bao đời nay. Tôi rất vui mừng là thế hệ đi trước và đã truyền dạy cho nhiều nhiều thế hệ con cháu tiếp tục duy trì điệu múa này, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc”.

Điệu múa chuông có ý nghĩa là vậy nên từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng bào ai ai cũng có ý thức gìn giữ và phát huy điệu múa truyền thống của dân tộc.

Là một trong những thành viên đầu tiên của đội múa chuông của người Dao bản Suối Lìn từ khi thành lập năm 2017 đến nay và là người truyền dạy điệu múa chuông của bản, ông Bàn Văn Sênh, người Dao Tiền ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Trong bản có nhiều đội văn nghệ, với nhiều lúa tuổi khác nhau, từ lứa tuổi thiếu niên đến các người cao tuổi đều có đội múa riêng biệt. Đội văn nghệ của ông phụ trách truyền dạy có 10 - 12 người, đều là nữ giới, độ tuổi từ 55 - 60. Khi đội văn nghệ của ông được mời đi biểu diễn tiết mục múa chuông ở xã, huyện và thành phố, dù công việc đồng áng bận rộn, tranh thủ thời gian buổi tối, ông và các thành viên trong đội lại tập trung tại nhà văn hóa của bản để cùng nhau ôn lại các nhịp múa chuông.

Việc duy trì đội múa chuông là để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Dao Tiền: “Được bà con tin tưởng giao phụ trách làm đội múa chuông hội người cao tuổi của bản Suối Lìn, tôi rất vinh dự và tự hào. Tôi đã sắp xếp công việc gia đình, cố gắng tham gia, truyền dạy điệu múa chuông của người Dao cho các thành viên trong đội.  Tôi cũng luôn khuyên dạy con cháu trong gia đình phải biết giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, nhất là điệu múa chuông”- ông Bàn Văn Sênh chia sẻ.

Đến nay, múa chuông của đồng bào Dao Tiền ở Vân Hồ không chỉ để phục vụ bà con trong bản, trong xã, mà còn tham gia  biểu diễn tại các ngày hội văn hóa các dân tộc; liên hoan nghệ thuật quần chúng ở huyện, tỉnh…được đông đảo người dân yêu thích. Anh  Bàn Văn Toàn  đội trưởng đội văn nghệ của bản Suối Lìn, cho biết: Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cộng đồng người Dao Tiền đang nỗ lực để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có điệu múa chuông. Anh và lớp trẻ trong bản càng phải có trách nhiệm để tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. “Được ông cha truyền dạy điệu múa chuông và cũng là đội trưởng của đội văn nghệ lớp trẻ của bản Suối Lìn, tôi và các thành viên trong đội tích cực học điệu múa chuông, bây giờ đã thành thạo, tôi thấy điệu múa chuông này rất ý nghĩa, không chỉ giúp lớp trẻ như chúng tôi hiểu được nét văn hóa, bản sắc của dân tộc mình mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà ông cha để lại cho thế hệ chúng tôi", anh Bàn Văn Toàn nói.

Tết đến Xuân về, trên khắp bản làng người Dao Tiền ở Sơn La lại rộn ràng điệu múa Chuông – điệu múa linh thiêng gắn kết cộng đồng như lời nhắc nhở mỗi người trẻ Dao Tiền hãy nhớ về cội nguồn của dân tộc mình./.   

Triệu Biên

VOV