Các khách sạn Hà Nội đẩy mạnh kích cầu
Cập nhật: 25/02/2021
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư quay trở lại vào đầu năm 2021, đúng thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu, khiến kế hoạch thu hút khách của ngành Du lịch bị ảnh hưởng. Từ thực tế đó, các cơ sở lưu trú tại Hà Nội vừa phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh kích cầu đối với du khách nội địa bằng cách giảm giá, liên kết để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn hơn...

Phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 tại khách sạn Mường Thanh Xa La (quận Hà Đông).

Giảm giá sâu

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 cơ sở lưu trú, với 61.000 buồng, phòng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, kinh doanh khách sạn gặp rất nhiều khó khăn, khi không có khách quốc tế, khách nội địa thưa vắng. Nhiều khách sạn vừa và nhỏ phải dừng hoạt động, đến nay vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Khối khách sạn 3-5 sao cũng “lao đao”. Năm 2020, công suất sử dụng buồng, phòng bình quân của các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 40% so với năm 2019. Nếu tính riêng đợt Tết Tân Sửu 2021, con số này chỉ ở mức 16,2%, giảm 62,4% so với Tết Canh Tý 2020.

Trước thực trạng này, năm 2021, ngành Du lịch Hà Nội kỳ vọng dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để có thể triển khai nhiều hoạt động, thu hút du khách trở lại. Trên thực tế, từ nhiều tháng nay, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, các khách sạn 3-5 sao đã triển khai các chương trình kích cầu bằng việc giảm sâu giá phòng. 

Điển hình như khách sạn Hanoi Paradise Center giảm từ 7 triệu đồng xuống còn 2,2 triệu đồng/đêm, đã bao gồm ăn sáng; Rising Dragon Palace Hotel trong khu vực phố cổ từ hơn 5 triệu đồng xuống còn 2 triệu đồng/đêm; Imperial Hotel & Spa từ 6,2 triệu đồng xuống còn 2,7 triệu đồng/đêm; Hanoi Lullaby Hotel từ 6,2 triệu đồng giảm còn hơn 2 triệu đồng/đêm. Các khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa, Movenpick giảm tới 83% và 67%, xuống lần lượt các mức 744.000 đồng/đêm và 1,3 triệu đồng/đêm. Đặc biệt, giá phòng tại khách sạn 5 sao Sheraton Hanoi chỉ còn 2,2 triệu đồng/đêm...

Theo Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sheraton Hanoi Bùi Xuân Đăng, lượng khách giảm buộc các đơn vị phải giảm giá để kích cầu, thu hút khách. Hiện tại, phần lớn khách lưu trú là các chuyên gia, doanh nhân từ các địa phương khác đến Hà Nội công tác. Còn theo Giám đốc điều hành khách sạn Grand Vista Bùi Thanh Tùng, do chưa đón được khách quốc tế, nên việc giảm giá để kích cầu hiện nay chủ yếu hướng đến khách nội địa.

Xây dựng sản phẩm liên kết

Đánh giá về mức giảm giá sâu của các cơ sở lưu trú, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đây là cơ hội lớn cho khách nội địa hưởng thụ dịch vụ khách sạn 3-5 sao với giá bình dân. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị cần làm tốt công tác phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để thu hút người dân Hà Nội trải nghiệm, khám phá sản phẩm du lịch tại chỗ. Đặc biệt, các cơ sở lưu trú cần tăng liên kết với đơn vị lữ hành để tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm mới cho du khách. Hiện tại, Công ty Du lịch Hanoitourist đang cùng khách sạn Sofitel Legend Metropole xây dựng sản phẩm trải nghiệm khám phá kiến trúc, lịch sử của khách sạn kết hợp nghỉ dưỡng.

Bàn thêm về giải pháp tăng sức hút cho các cơ sở lưu trú, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay, Hà Nội cần xây dựng thêm nhiều hình thức du lịch mới, trong đó nên chú ý đến du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp; khen thưởng; hội nghị, hội thảo; triển lãm). Để phát triển loại hình du lịch này, các cơ sở lưu trú của Hà Nội cần nâng cấp dịch vụ, không chỉ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, mà còn có khả năng tổ chức các dịch vụ như ăn uống, team building (hoạt động vui chơi, học tập tập thể)… Còn theo Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn, các khách sạn cần có sự chia sẻ, liên kết với các hãng hàng không, xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói, gồm vé máy bay và chỗ nghỉ với giá kích cầu hấp dẫn để thu hút khách từ các địa phương khác.

Hiện tại, để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh doanh, nhiều cơ sở lưu trú của Hà Nội còn làm nơi cách ly tập trung cho khách nhập cảnh. Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố hiện có 18 khách sạn đã được phê duyệt làm nơi cách ly tập trung và trong thời gian tới, Sở sẽ bổ sung 12 khách sạn vào danh sách, sau khi rà soát các điều kiện.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc khách sạn được chọn làm nơi cách ly tập trung sẽ giúp duy trì lượng khách và tăng uy tín cho mình. Tuy nhiên, các cơ sở được lựa chọn phải trang bị đủ điều kiện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, còn đối với những đơn vị không làm nơi cách ly, cùng với giảm giá, cần tăng cường liên kết, tạo ra các dịch vụ hấp dẫn hơn. “Dù nỗ lực trong việc thu hút khách, song thời điểm này các khách sạn vẫn phải đặt tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch lên hàng đầu”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Hoàng Lân

Báo Hà nội mới