Kế hoạch đàm phán thiết lập “bong bóng du lịch” và làn đường xanh giữa các quốc gia đã kiểm soát thành công đại dịch được nhiều nước châu Á đưa ra để giải cứu ngành du lịch trong mùa Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kích cầu du lịch tại một số nước.
“Bong bóng du lịch hàng không” Singapore - Hong Kong sẽ bị hoãn trong ít nhất 2 tuần Ảnh: AP
“Bong bóng du lịch” là thỏa thuận độc quyền giữa các quốc gia hoặc địa phương khá thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nhờ thỏa thuận này, người dân có thể đi lại tự do giữa các nước mà không phải cách ly khi nhập cảnh. Động thái này sẽ cho phép các quốc gia thực hiện những bước đầu tiên nhằm khởi động lại du lịch.
Theo dự kiến, “bong bóng du lịch hàng không” Singapore - Hong Kong bắt đầu được triển khai vào ngày 22.11, nhưng đã buộc phải hoãn lại 2 tuần do số ca lây nhiễm tại Hong Kong tăng mạnh trong những ngày gần đây. Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu cơ quan Phát triển Kinh tế và Thương mại Hong Kong, Edward Yau cho biết: “Do số ca lây nhiễm tăng mạnh, chúng tôi đã cùng Chính phủ Singapore hoãn khởi động chương trình “bong bóng du lịch” thêm 2 tuần nữa. Chúng tôi đã có các cơ chế và thỏa thuận về vấn đề này. Tuy nhiên, để có được sự khởi đầu suôn sẻ và cũng vì lợi ích của hành khách, tránh gây xáo trộn, chúng tôi quyết định lùi thởi điểm khởi động dự án”.
Trước đó, vào tháng 10 Singapore và Hong Kong đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập “hành lang đi lại hàng không” toàn diện đầu tiên trên thế giới, cho phép một lượng giới hạn người dân di chuyển giữa hai nơi mỗi ngày mà không phải cách ly để phòng dịch, miễn là hành khách hoàn thành và có kết quảxét nghiệm Covid - 19 âm tính trước và sau khi nhập cảnh và bay trên các chuyến bay được chỉ định. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore, Ong Ye Kung cho biết: “Đây là một bước tiến an toàn, cẩn trọng và có ý nghĩa quan trọng để hồi sinh ngành du lịch hàng không và tạo ra một mô hình hợp tác trong tương lai với các khu vực khác trên thế giới”.
Ông Ong Ye Kung cũng cho rằng, chỉ nên thiết lập “bong bóng du lịch” với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát thành công đại dịch. Đồng thời, Chính phủ có thể quản lý rủi ro chặt chẽ hơn bằng cách đặt ra giới hạn số lượng khách du lịch mỗi ngày và đảm bảo rằng tất cả du khách đều tuân thủ các giao thức xét nghiệm Covid-19. “Chúng tôi cũng yêu cầu du khách đăng kí cấp Thẻ thông hành đường hàng không (ATP) trước chuyến đi, để chúng tôi nắm bắt số lượng và gia giảm nếu tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp”, ông Ong Ye Kung nhấn mạnh.
Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihide Suga vừa ra thông báo nước này sẽ ngừng chương trình trợ cấp đi lại “Go To Travel” tại những khu vực có số ca mắc Covid-19 tăng cao. Nhiều địa phương ở Nhật Bản ghi nhận số ca lây nhiễm theo ngày ở mức cao những ngày qua. Chương trình “Go To Travel” được khởi động vào cuối tháng 7.2020, hỗ trợ tới 50% chi phí du lịch trong nước. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ yêu cầu người đứng đầu các tỉnh xem xét việc dừng phát phiếu giảm giá ăn uống “Go To Eat”, vốn nhằm khuyến khích người dân ăn uống tại các nhà hàng. Theo Thủ tướng Suga, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy việc đạt được sự cân bằng giữa việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế đang bị tàn phá nên rất cần sự hợp tác của người dân để không phải áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nhật Bản Toshio Nakagawa cho rằng, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy chương trình kích cầu du lịch là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 gần đây, nhưng chương trình này “đóng vai trò là chất xúc tác”.
Thịnh Quang