Với lợi thế phát triển về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tốt, đồng bộ, gắn kết với nhiều dịch vụ tiện ích, tuy nhiên ngành du lịch tỉnh cần có nhiều nỗ lực hơn trong thu hút và giữ chân du khách...
Với lợi thế ven sông, TP.Thuận An quy hoạch khu vực dọc sông Sài Gòn phát triển các khu phức hợp mua sắm, nghỉ dưỡng nhằm đẩy mạnh thu hút du khách
Đánh thức tiềm năng
Bình Dương có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng với nhiều địa danh mang đậm nét đặc trưng vốn nổi tiếng như vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu, Thanh Tuyền, cù lao Bạch Đằng… quanh năm xanh tốt được bao bọc bởi sông Sài Gòn, Ðồng Nai, Thị Tính. Song song đó, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh như Dầu Tiếng, Than Thở, Đá Bàn, Phước Hòa… đều có thể đầu tư để phát triển các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên mặt nước. Bình Dương hiện có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 44 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh với những địa danh đi vào lịch sử, như nhà tù Phú Lợi, Ðịa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Ð, chùa Hội Khánh, nhà cổ, bên cạnh là các làng nghề truyền thống như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan… là thế mạnh lớn để tổ chức các tour du lịch khám phá.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, TP.Thuận An quy hoạch khu vực dọc sông Sài Gòn phát triển các khu phức hợp mua sắm, nghỉ dưỡng nhằm đẩy mạnh thu hút du khách. Với lợi thế tự nhiên đa dạng, phong phú, ẩm thực hấp dẫn, thành phố hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng để thu hút dòng khách nội địa có mức chi tiêu cao. Hiện nay, không ít người Việt sẵn sàng bỏ tiền để được hưởng những dịch vụ du lịch cao cấp. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh?.
Bên cạnh đó, với vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi để Bình Dương dễ dàng liên kết với các địa phương phát triển các loại hình du lịch hội thảo, nghỉ dưỡng, thể thao và trải nghiệm mới phù hợp với xu hướng, nhu cầu nội tại của các chuyên gia nước ngoài.
Điều đáng trăn trở là những năm qua, du lịch Bình Dương vẫn còn nằm ở dưới dạng tiềm năng. Ông Mai Công Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch, sự kiện thể thao Sông Bé, cho biết lợi thế rất nhiều song du lịch Bình Dương phát triển vẫn chưa tương xứng, thiếu khả năng cạnh tranh. Những năm qua, dẫu các cấp, các ngành đã rất nỗ lực để hình thành hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, tuy nhiên các sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt. Hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh chưa có giá trị thật sự nổi trội, chưa thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tạo khả năng cạnh tranh trong việc thu hút du khách. “Công ty chúng tôi chủ yếu là đưa khách đi các tỉnh thành mà chưa có nhiều tour đón khách về Bình Dương. Chúng tôi cũng mong muốn một ngày nào đó, du lịch Bình Dương thật sự “cất cánh” với một lối đi riêng…”, ông Thức bày tỏ.
Hiện ngành du lịch tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tuyến với các tỉnh, thành phố, hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ tạo động lực phát triển. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát huy giá trị các tài nguyên du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa; nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch. Từ đó góp phần trong quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu “Du lịch Bình Dương” .
Liên kết phát triển
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, quan tâm đầu tư các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, tham quan làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, tâm linh, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện)… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút du khách. Điều đáng mừng là trong định hướng phát triển, rất nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng đều đưa ra những định hướng phát triển du lịch một cách bài bản.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, hiện nay việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương đặt ra ngày càng cấp thiết. Theo TS. Trần Du Lịch, nếu không liên kết phát triển du lịch, để địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN. Vì vậy, các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng các hội viên của Hiệp hội Du lịch Bình Dương cần tăng cường liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng dịch vụ du lịch chất lượng cao để cùng phát triển, kịp thời đề xuất các chính sách, chủ trương với ngành chức năng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tỉnh thành Đông Nam bộ, các tổ chức du lịch trong và ngoài nước để tạo sự liên kết chặt chẽ, phát huy sức mạnh xây dựng Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách.
TX.Tân Uyên với lợi thế “xanh” đã bắt tay vào chiến lược dài hơi trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết thị xã đang nỗ lực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách đến Tân Uyên nói chung và Bình Dương nói riêng. Cùng với du lịch trải nghiệm, trong tương lai gần, ông Tươi kỳ vọng sự phát triển của thương mại - dịch vụ chất lượng cao sẽ giữ chân du khách khi đến Tân Uyên.
Tiểu My