Bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Cập nhật: 13/04/2021
Hội nghị-hội thảo nhằm đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 12/4, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tham dự có các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian; đại diện nghệ nhân dân gian cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Người dân làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum sử dụng cồng chiêng và múa xoang trong ngày hội làng.

Suốt gần 16 năm sau ngày Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền cùng ngành Văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đáng quý nhất là hiện nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống vẫn được người dân bản địa bảo tồn lưu giữ, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày. Cùng với đó, hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, kỹ năng chỉnh chiêng… đã được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn người. Điển hình như ở tỉnh Kon Tum, trong số 622 làng đồng bào dân tộc thiểu số thì có tới trên 500 làng có cồng chiêng, với số lượng lên tới hơn 2.100 bộ.

Bên cạnh những kết quả đáng mừng, các đại biểu tham gia Hội nghị- Hội thảo cũng chỉ ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, như: không gian văn hóa làng bị phá vỡ; lớp người nắm giữ các lễ thức truyền thống ngày càng mai một trong khi thế hệ trẻ còn chưa chủ động đón nhận sự trao truyền; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa chưa được giải quyết một cách hài hòa… Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền, để bảo tồn và phát huy được giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trước hết cần lựa chọn được những giải pháp hiệu quả. Mô hình bảo tồn tập trung mà nhiều nước đã thực hiện là một gợi mở.

“Ví dụ như làng A họ không có điều kiện kinh tế nhưng họ rất tâm huyết với lễ thức cổ truyền mừng lúa mới, thì hàng năm Nhà nước hãy đầu tư để họ duy trì mừng lúa mới. Hãy giúp họ để duy trì lễ thức đó bởi vì không có vật hiến sinh thì chắc chắn không thể thành lễ được. Có những nơi đồng bào đã chuyển đổi rồi, thay đổi tín ngưỡng không còn lễ bỏ mả nữa thì sẽ không tập trung đầu tư vào đó. Những nơi nào còn giữ được tín ngưỡng bản địa thì Nhà nước sẽ đầu tư bảo tồn trong khu vực nhỏ, gọi là bảo tồn tập trung sẽ hiệu quả hơn”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền cho biết.

Ban tổ chức Hội nghị- Hội thảo đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và đại diện ngành Văn hóa các tỉnh, như: có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trợ cấp háng tháng, hàng quý cho các nghệ nhân, người có công đóng góp vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó tập trung cho công tác truyền dạy, tổ chức truyền thông; tạo điều kiện bố trí nguồn lực để các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển nâng cao đời sống người dân./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

VOV