Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, du lịch nghỉ dưỡng biển được xác định là thế mạnh hay sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thanh Hóa. Do vậy, trong định hướng phát triển, đây là sản phẩm được ưu tiên đầu tư, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, với những khu nghỉ dưỡng biển hiện đại, cao cấp.
Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn). Ảnh: Kim ngân
Khai thác lợi thế sẵn có
Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho 102km đường bờ biển, với nhiều bãi tắm bằng phẳng, môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà nức tiếng hơn cả phải kể đến Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn... Cùng với đó, dọc bờ biển có nhiều dãy núi đâm ra tạo nên các vũng như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện... xen kẽ là các cửa lạch như Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép, tạo nên hệ cảnh quan tự nhiên hết sức đa dạng. Ngoài khơi, vùng biển Thanh Hóa còn được tô điểm bởi hệ thống đảo lớn, nhỏ như Hòn Mê, Hòn Nẹ, Nghi Sơn... rất giàu tiềm năng khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Để biến tiềm năng thành lợi thế cho du lịch phát triển, khoảng mười năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao quy mô, chất lượng dịch vụ du lịch. Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, như chấn chỉnh trật tự kỷ cương; cải thiện môi trường du lịch; thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch... Đáng nói hơn là nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Điển hình như TP Sầm Sơn với lễ hội tình yêu, làng bích họa, mô tô nước, tuyến phố đi bộ và chợ đêm, lễ hội hoa, lễ hội ánh sáng, Carnival đường phố... Huyện Hoằng Hóa với Lễ hội du lịch biển Hải Tiến; tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ; du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng; du lịch dù bay. Ngoài ra, một số khu, điểm du lịch biển mới đang hình thành và bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch như Bãi Đông Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), ven biển huyện Quảng Xương...
Nhờ sự định hướng và đầu tư của tỉnh và các địa phương, đến nay, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đã từng bước tạo dựng được thương hiệu tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung; đồng thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Đặc biệt, các chỉ tiêu tăng trưởng của sản phẩm du lịch này có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, các khu du lịch biển ước đón được trên 32 triệu lượt khách, chiếm 75,2% tổng khách du lịch toàn tỉnh và gấp 2,2 lần giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,7%/năm. Trong đó, một số khu du lịch biển trọng điểm như Sầm Sơn ước đón gần 23 triệu lượt khách trong giai đoạn 2016-2020 và gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,8%/năm; huyện Hoằng Hóa ước đón được 5,8 triệu lượt khách trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,1%/năm.
Mặc dù đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, song khách quan nhìn nhận, sự phát triển của sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thanh Hóa vẫn đang thiếu những sản phẩm du lịch cao cấp, trong khi sản phẩm du lịch mới còn rất khiêm tốn. Mặc dù là sản phẩm du lịch mũi nhọn, song du lịch nghỉ dưỡng biển cũng mới đáp ứng phân khúc thị trường khách có mức chi tiêu từ trung bình đến khá mà thôi.
Mục tiêu kỳ vọng
Thanh Hóa đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, với những khu nghỉ dưỡng biển hiện đại, cao cấp. Để hiện thực hóa được điều đó, các chuyên gia, nhà quản lý du lịch cho rằng, Thanh Hóa cần có chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn của ngành du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng. Đồng thời, cần có sự “chung lưng đấu cật” của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch, cũng như nâng tầm điểm đến bằng chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khác biệt, nhằm thu hút và giữ chân du khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).
Từ thực tế ngành du lịch những năm qua cho thấy, cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách còn thấp, nên lượng khách du lịch tuy đông nhưng giá trị tổng thu chưa cao. Cũng vì lẽ đó nên việc xác định thị trường và nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó, làm căn cứ cho việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, thay đổi cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú của khách du lịch, hướng đến thu hút khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.
Trước mắt, nhiều nhận định cho rằng, Thanh Hóa cần tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng được thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch. Trong đó, chú trọng đến những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên nghiệp, văn minh, đảm bảo phát triển bền vững; kết hợp các dịch vụ bổ trợ như chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, vui chơi giải trí truyền thống và hiện đại, du lịch mice, du lịch golf tại các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển. Song song với đó là phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, nhằm kết nối và bổ trợ đắc lực cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Ngoài ra, trên cơ sở tài nguyên hiện có, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, các loại hình dịch vụ độc đáo, mới lạ, mang dấu ấn riêng, hấp dẫn khách du lịch, nhằm khắc phục tính mùa vụ trong du lịch.
Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án du lịch, hạ tầng du lịch quy mô lớn. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để thay đổi cả lượng và chất sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào các khu, điểm du lịch. Đồng thời, ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông trục chính đến các khu du lịch trọng điểm và hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu du lịch, như trung tâm đón tiếp khách, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, nhà vệ sinh công cộng...
Khôi Nguyên