Sửa lại vườn, học thêm ngoại ngữ, trau dồi thêm kỹ năng, liên kết để cho ra sản phẩm mới,... là cách mà các điểm du lịch ở miền Tây đang vận dụng để tìm giải pháp gượng dậy trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Du lịch nông nghiệp, một xu hướng du lịch hiện nay. Ảnh: Mỹ Lý
Những gam màu tối
Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra doanh thu và thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, xã hội cho đất nước, tuy nhiên lại là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Theo thống kê, hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 2.490 cơ sở lưu trú.
Năm 2020, lượng khách du lịch đến ĐBSCL chỉ đạt 28,5 triệu lượt, giảm 38,4% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Trong đó ở cụm phía Đông ĐBSCL, số khách du lịch quốc tế đạt hơn 420 ngàn lượt, giảm 79% so với cùng kỳ, số lượt khách du lịch nội địa đạt hơn 6 triệu lượt, giảm 41%. Ở cụm phía Tây ĐBSCL, số lượt khách quốc tế đến các tỉnh, thành đạt hơn 361 ngàn lượt, giảm 75% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt hơn 21,6 triệu lượt, giảm 33% so với cùng kỳ. Toàn vùng có 47 điểm du lịch tiêu biểu, độc đáo. Trong đó nổi bật có Bạc Liêu (9 điểm), Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang (mỗi tỉnh có 6 điểm), An Giang, Đồng Tháp (mỗi tỉnh có 4 điểm),...
Những tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp nên khách du lịch đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng giảm mạnh. Trong quý 1 năm 2021, ước tính có khoảng 600 ngàn lượt khách đến tỉnh tham quan, du lịch (giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng doanh thu du lịch trong 3 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng (giảm 28,6%) so với cùng kỳ năm 2020. Nổi bật trong quý 1 năm 2021, toàn tỉnh có 14 điểm du lịch cộng đồng đủ điều kiện được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh có 111 điểm du lịch cộng đồng. Phần lớn tập trung chủ yếu là du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Các doanh nghiệp (DN) lữ hành bị giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú... Ngành du lịch có hơn 98% là DN vừa và nhỏ, sức chống chịu rất thấp khi có biến cố rủi ro xảy ra. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm trên 90% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Theo đại diện một công ty lữ hành, chỉ trong đợt giãn cách xã hội năm 2020, công ty bị thiệt hại cả chục tỷ đồng do khách hủy tour; còn từ sau lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, gần như tất cả các hoạt động của công ty đều phải dừng lại, trong khi các chi phí duy trì hoạt động thì vẫn phải chi trả đều đều.
Làm mới để tự cứu mình
Mỗi tối thứ 3-5-7 hằng tuần, 2 bạn Huyền Trân và Tú Vi (quê Cao Lãnh) tận dụng diện tích nhà thuê 80m2 tại trung tâm TP.Cần Thơ để dạy tiếng Anh giao tiếp. “Từ khi dịch bệnh xảy ra, tụi em gần như “thất nghiệp” nên đành chuyển nghề dạy ngoại ngữ, vừa kiếm thêm thu nhập vừa để không bị quên vốn ngoại ngữ”, Trân cho biết, nhóm Trân có 4 bạn cùng hùn vốn để làm dịch vụ dẫn tour cho khách quốc tế, nhưng hơn 1 năm nay, du khách quốc tế giảm mạnh cho nên nhóm phải tạm chuyển nghề để cứu mình. Ngoài ra, nhóm bạn tận dụng tầng trên để làm thêm dịch vụ cho thuê trọ đối với các du khách nước ngoài bị “mắc kẹt” lại chưa thể về nước vì tình hình dịch bệnh, có những người từ xa lạ mà dần dần đã trở thành thân quen, rồi ở lại hợp tác cùng nhóm Trân làm thêm các dự án du lịch cộng đồng tại miền Tây.
Thời gian gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng ở miền Tây đang có bước tiến nhanh, trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn. Nhiều nhà vườn, nông dân tham gia làm du lịch đạt hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nhiều vùng nông thôn thay áo mới, rút ngắn khoảng cách với thành thị.
Bạn Hồ Ngọc Trâm - Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong Farmstay (Việt Mekong Farmstay), Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp cho biết, Việt Mekong farmstay là gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái nông nghiệp đậm nét hoang sơ, mang dấu ấn văn hóa địa phương Đồng Tháp, hướng đến phát huy giá trị văn hóa nông nghiệp Đồng Tháp Mười. Việt Mekong farmstay là sự kết hợp giữa làm nông nghiệp thuận tự nhiên, du khách trải nghiệm cuộc sống và hoạt động sản xuất trên nền tảng nông nghiệp tự nhiên. Nhờ có sự chuẩn bị, biết phân khúc, lựa chọn khách hàng ngay từ đầu mà nông trại không bị rơi vào tình thế bí. Trước lễ 30/4 và 1/5 thì lượng khách hầu như “full” phòng. “Hiện nay đang là mùa sen tự nhiên nên gói dịch vụ Thân Tâm Trí được nhiều khách đặt. Đã đăng ký điểm du lịch an toàn, tuân thủ các biện pháp phòng dịch nên cũng không bị ảnh hưởng mấy. Các đơn đặt hàng không quá 15 khách vẫn được farm duy trì, mình vẫn hoạt động duy trì và kết hợp nông trại chăm sóc nông trại” - Trâm nói.
Còn chị Bảy Muôn (Phan Kim Ngân) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khu vực 1, Phường Bùi Hữu Nghĩa, TP.Cần Thơ tập hợp các hộ làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (TP.Cần Thơ) thì chọn cách tạm ngưng đón khách để thành viên sửa lại vườn, học thêm ngoại ngữ để chờ tín hiệu tốt từ chính quyền về tình hình dịch bệnh. “Năm ngoái cũng đóng cửa, sửa vườn và cùng nhau làm thêm gói “Cồn Sơn ngày mới” sau khi dịch tạm ổn. Năm nay, chúng tôi đang xây dựng thêm gói dịch vụ mới “Cồn Sơn hồi đó”- nhằm tái hiện cuộc sống dân xứ cồn cách đây hơn 20 năm. Bà con đang chờ dịch được kiểm soát thì sẽ đón khách trở lại” - chị Bảy Muôn nói. Dịch bệnh cũng là cách thử thách những người làm du lịch cộng đồng; vừa có thời gian nghỉ ngơi, vừa là cơ hội để những người làm du lịch như chị có dịp ngồi lại suy ngẫm, tìm cách làm mới. Những nhà nông chuyển đổi, những nông trại kiểu mới, những làng nghề hồi sinh... biết đâu sẽ khiến những doanh nhân tìm hàng sạch - độc - lạ tìm tới.
Nguyệt Đỗ