Hà Nội: Miền cồng chiêng Ba Vì
Cập nhật: 29/06/2021
Tôi đã đến Ba Vì (Hà Nội) không biết bao lần và lần nào cũng được trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa đầy sức gợi. Ở đó không chỉ có nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn, mà còn có sự đa sắc màu dân tộc. Ngoài dân tộc Kinh còn có dân tộc Mường, Dao sinh sống. Trong đời sống, người Mường ở Ba Vì luôn biết dệt nên bao vẻ đẹp từ những nét văn hóa độc đáo, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Cồng chiêng là món ăn tinh thần đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Âm vang lời núi hồn quê

Ở Ba Vì lạ lắm, những cánh đồng lúa xen với rừng bạt ngàn, cũng xen trong đó nhiều khu du lịch. Sự phát triển của du lịch cùng nỗ lực của bà con đã giúp cồng chiêng không chỉ vang lên trong miền Ba Vì, mà nghệ nhân, thành viên các đội cồng chiêng đã chung tay mang cồng chiêng đi giao lưu ở nhiều địa phương khác, tỉnh thành khác.

Trong những lần tới xã Ba Trại, tôi thường đến nhà nghệ nhân Đinh Thị Lan. Năm nay bà đã 80 tuổi nhưng còn tinh anh lắm. Bà là “hạt nhân” cồng chiêng ở nơi đây. Không biết bao lần bà đã góp mặt trong những ngày hội của người Mường, giao lưu trong các dịp kỷ niệm, ngày hội các dân tộc Việt Nam. Bà cũng vinh dự được trao nhiều bằng khen, giấy khen vì có công gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa. Hiện bà là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng xã Ba Trại. Qua tìm hiểu, các thôn của xã Ba Trại đang lưu giữ 5 bộ cồng chiêng. Để phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống, xã Ba Trại đã thành lập và duy trì hoạt động của 3 đội cồng chiêng với sự tham gia của gần 60 thành viên. Hằng năm, các thành viên trong CLB đều tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ. Các nghệ nhân tích cực truyền dạy về tiết tấu, âm hưởng của tiếng chiêng, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Mường.

Nghệ nhân Đinh Thị Lan chia sẻ: “Các thành viên đã đi giao lưu nhiều nơi, nên cồng chiêng không chỉ ngân vang ở hội thôn, làng Ba Trại. Mỗi khi khai mạc mùa du lịch, những CLB cồng chiêng lại được dịp biểu diễn trước du khách”. Bà Đinh Thị Nhung (thôn 5 xã Ba Trại) cho biết: “Chúng tôi nhận thức được bản thân mình phải thừa kế giá trị văn hóa của cha ông, tích cực truyền dạy cho con cháu bởi lớp kế cận biết chơi, hiểu cồng chiêng là điều tuyệt vời, giúp cho văn hóa cồng chiêng sống lâu bền. Khi tham gia CLB Cồng chiêng, chúng tôi có cơ hội phát huy truyền thống của đồng bào mình, cất tiếng nói của dân tộc Mường”.

Với các CLB cồng chiêng ở xã Vân Hòa, ông Đinh Hữu Tiến được coi là “mỳ chính cánh”. Bởi giờ đây biểu diễn cồng chiêng là phụ nữ, nhưng ở Vân Hòa, ông Tiến là người am tường văn hóa cồng chiêng và đã dạy cho nhiều thành viên khác để các bà, các chị có thể biểu diễn thuần thục. Ông Tiến kể: “Từ xưa phong tục của đồng bào Mường phần lớn được lưu giữ theo lối truyền khẩu. Chẳng hạn, trong ngày Tết, ngoài chuẩn bị đầy đủ đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng thì vui xuân không thể vắng tiếng cồng chiêng. Dù là “đặc sản” nhưng từng có lúc cả xã không còn bộ chiêng nào. Cồng chiêng cũng bị “chảy máu”, người nơi khác đến mua mang đi. Tôi và những người yêu văn hóa phải tự trang bị những bộ cồng chiêng mới, đặt mua tại Sơn Tây, thậm chí sang tận Hòa Bình để tìm những bộ chuẩn nhất. Từ năm 2015 thì chính quyền chung tay vào cuộc và xã đã có 3 bộ”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Từng có một thời gian dài cồng chiêng Ba Vì ít được biểu diễn. Thậm chí có xã, cồng chiêng vắng bóng trong đời sống người dân. Ông Đinh Ngọc Dần ở thôn Lặt, xã Minh Quang, nhớ lại: “Ngày xưa, nhiều gia đình trong các thôn đều có một chiếc chiêng. Có hộ có cả một bộ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau này do chiến tranh tàn phá, nghèo đói liên miên, một số hộ phải bán chiêng, một số vẫn còn giữ được nhưng lại dùng chiêng để úp vại tương nên chiêng bị biến âm hoặc vỡ. Có thời gian, người buôn đồ cổ đến săn tìm nên gần như không còn chiếc nào”.

Từ năm 2012, huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số” và đã có những đánh giá, nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở 7 xã miền núi, gồm Vân Hòa, Ba Trại, Tản Lĩnh, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng và Ba Vì. Mỗi xã được đầu tư 3 bộ cồng chiêng, những “hạt nhân” của các xã được cử đi tập huấn, giao lưu, các CLB Cồng chiêng được thành lập ở các xã và người dân ý thức hơn trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Tuy nhiên, thời gian đầu thực hiện Đề án, công việc gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang trong không gian khoáng đạt của núi rừng thì phải có người hiểu sâu, chơi được nhạc cụ này. Nhiều cao niên ở các xã bàn với cán bộ xã mời nghệ nhân từ nơi khác về nói chuyện văn hóa cồng chiêng. Ai có kiến thức thì chia sẻ kinh nghiệm cùng những “ngón nghề” của mình để đánh thức niềm đam mê trong cộng đồng. Nhờ đó mà cồng chiêng được phục hồi.

Theo các nghệ nhân cồng chiêng, cách diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Mường ở huyện Ba Vì mang tính biểu cảm sâu đậm, diễn tả nội tâm sâu lắng. Nghệ thuật biểu diễn cồng chú trọng tới cách luyến láy, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng. Khi biểu diễn, phụ nữ Mường ở Ba Vì bao giờ cũng mặc trang phục truyền thống, gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc và thắt lưng nhiều họa tiết, còn người dân Tây Nguyên thì đóng khố.

Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng ở Ba Vì chú trọng các cách luyến láy, có âm sắc độc đáo mang tính biểu cảm, sự chuẩn xác. Đặc trưng của cồng chiêng nơi đây còn là lối chơi kết hợp nhuần nhuyễn của từng cá nhân, từ đó tạo nên sự thành công của đội cồng khi thể hiện từng giai điệu trong các ngày lễ hội, hiếu, hỷ... Khi đánh, mỗi chiếc cồng, chiêng phát ra một âm thanh khác nhau, từ âm cao nhất đến âm thanh trầm nhất. Để có bài cồng chiêng hay thì cần có những người am hiểu thể hiện. Chẳng hạn khi đón giao thừa ngày Tết thì tiếng chiêng rộn ràng, ngân vang, tiết tấu từ thấp đến cao. Qua tiếng cồng chiêng người ta có thể hiểu được đó là tiếng chúc phúc mọi nhà bước sang năm mới (nhân khang vật thịnh, bản làng đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp hơn năm cũ). Tiếng cồng chiêng khai hội làng, bản thì tưng bừng, thúc giục mọi người mau chân tới tham gia.

Theo ông Bùi Huy Giáp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, cồng chiêng là một loại nhạc cụ rất quen thuộc với người Mường. Nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc biệt này, năm 2020 Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện Ba Vì mua 3 bộ cồng chiêng chuẩn tặng cho các CLB ở các xã Ba Trại, Khánh Thượng và Tản Lĩnh, nâng tổng số thôn có bộ cồng chiêng lên 24/76 thôn có người Mường sinh sống tập trung. Ngoài việc hỗ trợ các bộ cồng chiêng chuẩn, huyện cũng mở các lớp dạy âm nhạc cồng chiêng cho các xã.

Bao năm tháng qua, những câu hát về Ba Vì đã ngân lên. Bao năm tháng tiếng cồng chiêng ngân rung giúp miền mây trắng trở thành vùng du lịch, vùng văn hóa và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Hôm nay, tiếng cồng lại dội vào tôi những âm hưởng của cuộc sống, trong không gian cảnh sắc hữu tình, níu giữ tôi ở lại... Và sẽ còn nhiều chuyến tìm hiểu, trải nghiệm sự đặc sắc trong đời sống người dân ở miền núi Tản, sông Đà.

Theo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội sống chủ yếu ở 14 xã thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ. Riêng huyện Ba Vì đã có 7 xã mà ở đó đồng bào dân tộc Mường, Dao chiếm tỷ lệ lớn, gồm Yên Bài, Minh Quang, Ba Trại, Ba Vì, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh. Ðồng bào Mường, Dao đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng, từ phong tục, ngôn ngữ cho đến sinh hoạt văn nghệ... Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Ba Vì luôn được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa mới.

Diên Khánh

Báo Hà Nội mới