Bài chòi không còn đơn giản là văn hóa dân gian mà đã là một phần của di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của thế giới.
Ông Trần Duy Đối - một trong những nghệ nhân hát bài chòi lâu năm tại làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dành cuộc đời mình để lưu giữ những câu hát bài chòi.
Trái tim luôn đau đáu với nghệ thuật bài chòi
Ghé thăm ngôi nhà nhỏ đúng lúc ông đang ru cháu bằng những câu hát bài chòi dân dã, nghe những làn điệu ông hát, lòng tôi như lắng lại. Đặt đứa cháu thiu thiu ngủ ngay ngắn, ông cười hiền tâm sự: “Tôi đã biết đến những câu hát bài chòi ngay từ tấm bé qua những lời hát của ông nội, rồi sau những lần xem lễ hội bài chòi được tổ chức tại địa phương, tôi bắt đầu đam mê và tự mày mò học để hát theo. Cũng không biết từ lúc nào những câu hát bài chòi trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của tôi”.
Những câu hát bài chòi của nghệ nhân Trần Duy Đối vang lên trong mỗi dịp Huế có lễ hội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Ông cho biết, hát bài chòi không khó, nhưng cái khó là biết làm sao luyến láy để chạm trái tim người nghe. Không những vậy, hát bài chòi cũng có rất nhiều làn điệu và tiết tấu riêng. Khi thì da diết, xúc động, cũng có khi sôi động, giục giã... nhằm chuyển tải hết nội dung một câu chuyện trọn vẹn. Ở mỗi thời điểm khác nhau, bài chòi được bổ sung thêm những làn điệu, sắc thái khác nhau theo từng địa phương và tích hợp thêm những yếu tố văn hóa âm nhạc của các vùng miền, làm phong phú thêm làn điệu bài chòi. Ngoài giọng hát hay và tài năng hô diễn, cũng cần có vốn kiến thức về loại hình nghệ thuật này.Chính từ cơ duyên đó, để rồi đam mê và không ngừng tự tìm tòi nghiên cứu sáng tác, vì vậy mà gần như cả cuộc đời ông vẫn âm thầm giữ hồn cho những điệu hát bài chòi dân gian xứ Huế. “Với niềm đam mê dành cho những câu hát bài chòi, ngoài thời gian “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”... thì thời gian rảnh tôi lại tranh thủ sáng tác những điệu hát mới cho các con bài trong bài chòi. Đến nay, 30 con bài chòi tôi đều biết cách hò và có những con tôi đặt đến mấy lời hát khác nhau”, ông Đối chia sẻ.
Là một trong số những nghệ nhân bài chòi dân gian còn giữ được những lối hát đặc trưng của bài chòi cổ, mỗi câu hát khi ông cất lên đều chứa đựng trong đó cả một sự tâm huyết và một trái tim luôn đau đáu với nghề. Hiện ông là một trong số không nhiều nghệ nhân hát bài chòi nổi tiếng của Huế. Suốt mười mấy năm qua, mỗi lần Huế tổ chức hội bài chòi, ông thường được mời làm hiệu. Ông cho biết, tuổi ngày một lớn, lại phải di chuyển một quãng đường xa để đến nơi tổ chức, tuy có mệt nhưng luôn cảm thấy vui vì đã góp sức mình trong việc gìn giữ nét đặc sắc của bộ môn bài chòi. Ông mong muốn thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp nối bậc tiền nhân, cũng đam mê, học hỏi và hát được những câu hát bài chòi để bộ môn này vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ngôi làng lưu giữ món ăn tinh thần của người dân xứ Huế
Làng Thanh Thủy Chánh, xã Thuỷ Thanh là nơi duy nhất của Thừa Thiên Huế còn giữ được sinh hoạt mở hội bài chòi bài bản trong những ngày Tết đến xuân về. Mỗi người ngồi trong một chiếc chòi tranh. Họ chơi không phải vì sự hơn thua mà là để hoài niệm về những ngày xưa cũ. Bài chòi được người dân nơi đây coi là báu vật dân gian, đem lại cho con người niềm vui sống, thêm yêu quê hương, đất nước, gắn kết tình làng nghĩa xóm, gần gũi nhau hơn.
Mỗi khi sáng tác được câu hát mới, ông Đối lại ghi chép vào quyển lịch cũ.
Dù đã bước qua độ tuổi “thất thập”, thế nhưng những câu hát bài chòi của nghệ nhân Trần Duy Đối đang sống với thời gian, vẫn vang lên đặc biệt vào mỗi dịp lễ hội hay Tết đến xuân về; góp phần lưu giữ một món ăn tinh thần của người dân miền quê Thủy Thanh nói riêng và xứ Huế nói chung. Giữa những bộn bề của cuộc sống, bất chợt nghe làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng của những câu hát bài chòi, lòng mỗi người lại bâng khuâng.Bài chòi không còn đơn giản là văn hóa dân gian mà đã là một phần của di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của thế giới. “Nghệ thuật bài chòi Thủy Thanh đã có từ lâu đời và đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ. Vào các dịp Festival, chợ quê ngày hội... trò chơi dân gian này lại được đưa vào để mang đến niềm vui và không khí rộn ràng cho bà con. Nghệ thuật bài chòi được lưu giữ cũng nhờ các nghệ nhân trên địa bàn xã, trong đó phải kể đến bác Trần Duy Đối. Bác là một người rất tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, bác cũng là người có công rất lớn trong việc cùng chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa đặc sắc của xã Thủy Thanh nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung”, ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết.
Bài và ảnh: Ánh Nguyệt