Tăng cường bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An
Cập nhật: 28/07/2021
Nhằm quản lý, bảo vệ nguyên vẹn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới quần thể danh thắng Tràng An (Di sản), UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 535/UBND-Vp5 về việc tăng cường quản lý, bảo vệ Di sản.

Tăng cường bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới quần thể danh thắng Tràng An

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong phạm vi Di sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản ban hành kèm theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh và các quy định liên quan của UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ Di sản tới cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và người dân trong vùng Di sản, qua đó nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định bảo vệ Di sản.

Sở Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong vùng Di sản xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, nhất là việc phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai; phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong phạm vi Di sản nghiên cứu đề xuất lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, báo cáo UBND tỉnh, Bộ VHTTDL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch tại địa phương. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong phạm vi Di sản.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; thực hiện việc đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ và các hoạt động nghiên cứu trong khu Di sản; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các dự án về bảo vệ, phát huy giá trị của di tích; phối hợp với các ngành liên quan thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của các di tích trong khu Di sản. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành vi xâm hại di tích và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.

Không chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng lõi Di sản

UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu Sở TNMT, UBND các huyện, thành phố không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực vùng lõi Di sản sang các mục đích sử dụng đất khác; hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực Di sản trước khi triển khai thực hiện dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật trong khu vực Di sản.

Sở KHĐT tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, Luật Di sản văn hóa, quy định của UNESCO và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội; rà soát các dự án trong khu Di sản, ưu tiên nguồn vốn tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình của các dự án để hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch trong khu Di sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án của các nhà đầu tư trong khu vực Di sản. Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án có sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình trong phạm vi vùng lõi Di sản; đối với các dự án tại vùng đệm Di sản, nhất là khu vực tiếp giáp vùng lõi hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án du lịch sinh thái, trải nghiệm với quy mô và mật độ xây dựng thấp nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường trong vùng lõi Di sản.

Sở NNPTNT chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý diện tích rừng đặc dụng và bảo vệ các giá trị cảnh quan; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các hành vi thay đổi mục đích sử dụng đất lâm, nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của quá trình phát triển, đô thị hóa tới Di sản.

UBND các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và các thành phố Ninh Bình, Tam Điệp tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh lưu trú du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm những trường hợp vi phạm, nhất là lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích và xây dựng trái phép.

Đối với các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất nông nghiệp và trên diện tích đất lấn chiếm, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu; không chuyển đổi đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý trong khu vực vùng lõi Di sản sang các mục đích sử dụng khác; chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý Di sản tại địa phương.

NB

Báo Chính phủ