Ngoài khơi bờ biển Naples, miền nam nước Ý có hai hòn đảo nhỏ được nối với nhau bằng một cây cầu đi bộ trên cao được chung là đảo Isola della Gaiola (gọi tắt là Gaiola). Gaiola tự hào là di tích La Mã cổ đại với những vách đá hùng vĩ, huyền ảo nhưng lại mang cái tên khá tương phản, đảo “lời nguyền”.
Đảo “lời nguyền” Isola della Gaiola.
Truyền thuyết kể rằng từng có một “phù thủy” sống trên đảo vào đầu những năm 1800. Từ đó, các chủ sở hữu giàu có đã mua hòn đảo sau này đều có số phận bi thảm. Chủ sở hữu nổi tiếng nhất của Gaiola có lẽ là J. Paul Getty, người đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng ông đã mua Gaiola vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Theo những người tin vào “lời nguyền”, vụ mua bán này đã dẫn đến vụ bắt cóc con trai J. Paul Getty vào năm 1973. Sự kiện đau thương nói trên đã được chuyển thể thành bộ phim tựa đề “All the money in the world” (Vụ bắt cóc triệu đô) đã được công chiếu ở nhiều nơi nói về tấn bi kịch của giới nhà giàu. Hiện đảo Gaiola đã bị bỏ hoang do không ai dám đến sống nữa.
Hòn đảo từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo Andaman và Nicobar trong vịnh Bengal. Đây là bản quán của tộc người Sentinel, một bộ tộc luôn từ chối (đôi khi vô cùng thô bạo) bất cứ sự tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Tộc người này là một trong những bộ tộc cuối cùng trên thế giới gần như chưa bị tác động bởi nền văn minh hiện đại.
Trong thời đại toàn cầu hóa, thật khó tin vẫn còn có một bộ tộc lạ như vậy. Cư dân đảo Bắc Sentinel công khai từ chối mọi nỗ lực liên lạc từ thế giới bên ngoài, sẵn sàng bắn tên nếu có ai đó cố gắng xâm nhập nhà của họ. Đảo có diện tích khoảng 59,67 km2, được bao quanh bởi các rạn san hô, không có chỗ neo tự nhiên. Cây cối bao phủ hầu như toàn bộ hòn đảo, chỉ trừ phần bờ biển hẹp bao quanh đảo.
Vụ động đất và sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm thay đổi mảng kiến tạo bên dưới hòn đảo, nâng nó cao thêm 1–2 m. Dân số đảo Bắc Sentinel ước tính khoảng từ 50 - 500 người, có vẻ như chưa từng phát triển nông nghiệp nên họ vẫn sống kiểu săn bắn hái lượm. Hiện hòn đảo là một lãnh thổ có chủ quyền nằm dưới sự bảo hộ của Ấn Độ. Mặc dù đã có những cuộc thám hiểm trước đó để liên lạc, nhưng Chính phủ Ấn Độ hiện đã yêu cầu mọi người không quấy rầy bộ lạc sống trên đảo, vì vậy đến nay không ai dám đặt chân đến đảo.
Đảo của “người ngoài hành tinh”
Đảo Socotra ở ngoài khơi bờ biển Yemen được mô tả là “nơi có những thứ kỳ lạ”. Người ta ví đến thăm hòn đảo này giống như chuyến đi đến sao Hỏa hoặc sao Mộc hay đến đảo của “người ngoài hành tinh”. Một số người thậm chí tin rằng Socotra có thể là địa điểm thực sự của Vườn địa đàng trong Kinh thánh do sự đa dạng sinh học độc đáo đáng kinh ngạc của nó. Một phần ba đời sống thực vật trên Socotra không tồn tại ở nơi nào khác trên trái đất, như “cây máu rồng” là một ví dụ. Cây này trông giống như một cây nấm hay chiếc ô khổng lồ, từ vỏ cây này, khi bị cắt ra, nhựa màu đỏ của thân cây sẽ bắt đầu chảy ra, nhanh chóng đông đặc lại. Người dân địa phương nói rằng nước ép của cây này có thể cầm máu trong thời kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Socotra nằm phía tây bắc Ấn Độ Dương, nơi đây hiện vẫn còn rất hoang sơ do tách biệt hoàn toàn với những vùng đất khác. Đảo đã trải qua quá trình hình thành địa chất phức tạp, kết hợp các khối núi granit cổ, các vách đá vôi và cao nguyên đá sa thạch đỏ vô cùng độc đáo.
Socotra có hơn 700 loài sinh vật là loài đặc hữu, tức không thể tìm thấy chúng ở nơi nào khác trên thế giới. UNESCO đã công nhận hòn đảo này là Di sản thế giới và đưa khu vực này thành một Khu dự trữ sinh quyển.
Khắc Duy
(Theo Grunge- 8/2021)