Đồng Tháp: TP Sa Đéc khai thác yếu tố văn hóa để sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch
Cập nhật: 15/10/2021
TP Sa Đéc là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển cách nay hơn 300 năm, từng là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh. TP Sa Đéc có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho các hoạt động “giao thương” cả đường bộ lẫn đường thủy, dễ dàng kết nối TP Sa Đéc với các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh. Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, TP Sa Đéc đã và đang sở hữu nhiều công trình có kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, nhất là các di tích cấp Quốc gia như chùa Ông Quách, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cùng hàng chục di tích cấp tỉnh: Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa, Bia tưởng niệm Chi đội Trần Phú, Xóm rẫy Cụ Hồ, Tượng đài Anh hùng Phan Văn Út, Tòa Hành chánh, Nhà cổ Trần Phú Cương,... Ngoài ra, TP Sa Đéc còn là vùng đất có nhiều cơ sở thờ tự và tín đồ tôn giáo với 50 cơ sở thờ tự, khoảng 300 chức sắc, chức việc, trên 18 ngàn tín đồ. Đặc biệt, TP Sa Đéc có đông đảo bà con cộng đồng người Hoa gắn bó làm ăn, sinh sống lâu đời tại vùng đất này.

Làng hoa Sa Đéc đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi du khách đặt chân đến TP Sa Đéc

Từ các cơ sở trên, cấp ủy và chính quyền TP Sa Đéc xác định việc khai thác các yếu tố văn hóa phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, với mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Ông Nguyễn Văn Hon – Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực, có hiệu quả của các sở, ngành tỉnh, nhất là Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02 về phát triển kinh tế - xã hội TP Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy thông qua các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và triển khai thực hiện mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần của người dân thành phố.

Với đặc điểm là thành phố hoa, các cấp ủy, chính quyền TP Sa Đéc đặc biệt quan tâm giữ gìn, phát huy, khai thác các yếu tố văn hóa để phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch trên địa bàn. TP Sa Đéc tổ chức trùng tu, sửa chữa, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử nhằm phát huy giá trị những di tích văn hóa, lịch sử, giá trị văn hóa trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững của địa phương. Ngoài ra, TP Sa Đéc đầu tư nâng cấp các công trình phục vụ hạ tầng du lịch gắn với khai thác có hiệu quả những di tích lịch sử, di tích văn hóa trên địa bàn như: đường Hoa Sa Nhiên - Cai Dao, đường Cai Dao - ông Thung, Đài Quan sát hoa,...TP Sa Đéc cũng tích cực vận động các hộ dân có điều kiện tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng Homestay, Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã gắn với các ngành nghề truyền thống, nhằm thu hút đông đảo khách du lịch đến với địa phương. Từ năm 2019 đến nay, TP Sa Đéc thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, trong đó có hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế. Giờ đây địa danh Làng hoa Sa Đéc đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi du khách đặt chân đến TP Sa Đéc.

Thời gian tới, TP Sa Đéc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Sa Đéc trong giai đoạn hiện nay, nhất là gắn Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

TP Sa Đéc sẽ từng bước đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới. Tiếp tục chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Bảo tồn, phát huy di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn, đa dạng hóa những hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật viết về Sa Đéc đến người dân trong và ngoài địa phương. Quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Sa Đéc gắn với kế hoạch phát triển du lịch, nhất là du lịch hoa kiểng với việc khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại địa phương, nhất là du lịch cộng đồng Homestay, du lịch sông nước...

Dũng Chinh

Báo Đồng Tháp