Khách du lịch ngày nay có xu hướng tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa, lại không thể đi du lịch theo đoàn đông, đại trà. Đây là cơ hội cho các mô hình du lịch cộng đồng nắm bắt để phát triển. Đối với tỉnh Điện Biên, sự kết hợp hài hòa giữa các bản sắc thiên nhiên và văn hóa truyền thống vẫn còn là một tiềm năng chưa được khai thác, phát huy hết.
Ruộng bậc thang bản Kê Nênh, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) là một trong những địa điểm chụp ảnh được các bạn trẻ yêu thích.
Các hình thức du lịch cộng đồng thường thấy ở tỉnh Điện Biên là homestay, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu lối sống thường ngày của người dân bản địa, tham quan các bản làng dân tộc… Tuy nhiên hình thức du lịch này trên địa bàn tỉnh không có nhiều đặc sắc, đặc biệt trong việc tạo những trải nghiệm cho du khách và kết nối các điểm đến. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những điểm phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh rơi vào cảnh ảm đạm, không có khách. Thay vào đó, người dân, du khách thích thú săn những điểm check-in, chụp ảnh “sống ảo”. Đó có thể là tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang của người Mông Tà Lèng; là những bông ban trắng, cành đào xuân rực rỡ trước nếp nhà truyền thống; là vạt đồi bạt ngàn hoa dại theo mùa; hay những chiếc cọn nước xoay mải miết bên suối bờ suối Nậm Hua (xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo)... Những điều nhỏ bé nhưng lại có sức hút lớn đối với người đam mê thưởng ngoạn và chụp ảnh. Những điểm đến ấy cũng không xa, mà rất gần gũi với các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên việc kết nối, khai thác những điểm check-in với các sản phẩm du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng vẫn còn hạn chế.
Có thể kể đến cánh đồng bậc thang Tà Lèng là địa điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ mỗi mùa lúa đơm bông. Nằm bên tuyến đường từ TP. Điện Biên Phủ đi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, nơi đây có vị trí thuận lợi để người đam mê chụp ảnh tìm tới. Khu ruộng bậc thang rộng khoảng 2ha này đón nhiều lượt người đến tham quan hàng năm. Tuy nhiên đến nay, nó vẫn chỉ là một điểm check-in lẻ, tự phát. Anh Bùi Quang Được, du khách từ Hưng Yên chia sẻ: “Tôi được bạn dẫn tới nơi này khi mùa lúa chín năm vừa rồi, chụp được rất nhiều ảnh đẹp. View ngắm cảnh cũng rất thoáng và đẹp, hoang sơ nhưng tiếc là không phát triển thêm dịch vụ gì, cũng không gặp được bà con bản địa đi ruộng. Nghe nói bản của bà con ở ngay bên kia đường, nếu phát triển thành mô hình du lịch cộng đồng vừa tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, vừa thưởng lãm cảnh đẹp, gần gũi với thiên nhiên tại đây có lẽ sẽ thú vị và tôi sẽ quay trở lại”.
Ông Dương Văn Minh, Trưởng bản Kê Nênh (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Người Mông bản Kê Nênh làm ruộng bậc thang nhiều đời nay. Đây là một nét truyền thống của dân tộc, thấy mọi người yêu thích, đến chụp ảnh thì chúng tôi cũng rất vui. Hàng năm, từ khi lúa còn xanh đến lúc chín, có rất nhiều người đến đây chụp ảnh, nhất là vào cuối tuần. Mỗi vụ lúa phải có hàng trăm người đến, chủ yếu là phụ nữ, thanh niên, có cả người ngoại tỉnh, người nước ngoài. Khi gặp người đến tham quan, bà con dân bản đi ruộng đều thoải mái, vui vẻ, còn cho họ mượn lu cở, mượn dụng cụ lao động để chụp ảnh. Cũng có người bảo sao bản không làm thành dịch vụ nhưng chúng tôi chỉ quen làm nương, làm ruộng, không biết làm du lịch”.
Tháng 11, tháng 12 hàng năm những vạt đồi, những con đường bao quanh làng bản phủ vàng sắc hoa dã quỳ - loài hoa dại được nhiều người săn lùng chụp ảnh. Những bức ảnh dã quỳ bung nở khi được đăng tải lên facebook đã thu hút nhiều lượt tương tác, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh mảnh đất vùng cao Điện Biên hoang sơ, tươi đẹp. Anh Nguyễn Ngọc Hà, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) - một người yêu thích chụp ảnh chia sẻ: Tôi thích hình ảnh vừa mong manh vừa rực rỡ của dã quỳ, không chỉ trong không gian đồi núi mênh mông mà còn tô điểm cho những bản làng, gần gũi với đời sống người dân. Dã quỳ tạo nên một khung cảnh yên bình mà không kém phần lãng mạn. Mọi năm có rất nhiều chị em đi chụp ảnh với loài hoa này. Năm nay tôi cũng nhận lịch khoảng 10 buổi chụp nhưng do dịch bệnh bùng phát, mọi người đều có ý thức phòng dịch cao nên hiện tại đều đã hủy chụp. Bản thân tôi lại cùng những người bạn đam mê nhiếp ảnh đi “săn” những hình ảnh đẹp về hoa.
Có thể thấy, nhiều điểm check-in có tiềm năng phát triển gắn liền với du lịch, trở thành nơi dừng chân thú vị trong hành trình khám phá Điện Biên của du khách. Thay vì chỉ mới mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ vẻ đẹp tự nhiên, nếu gắn kết với tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, nó sẽ tạo thêm điểm nhấn, thu hút, tăng giá trị cho mô hình ấy. Đồng thời còn góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục bảo vệ môi trường tự nhiên, gìn giữ cái hay, cái đẹp trong văn hoá truyền thống dân tộc, như đối với ruộng bậc thang, hoa ban, cọn nước... Từ đó sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng. Tuy nhiên để làm được điều đó cần sự đầu tư, quy hoạch để những điểm check-in không còn là tự phát, phục vụ cho người dân địa phương mà sẽ trở thành điểm đến cho du khách./.
Bảo Anh