Du lịch không điểm đến
Cập nhật: 06/12/2021
Hồng Công (Trung Quốc) đã tung ra một kiểu du lịch mới: Bạn sẽ trả tiền để... không đi đến đâu trong một hành trình không điểm đến. Đây là ý tưởng của dịch vụ mới, được quảng cáo là một phương pháp trị liệu hiệu quả cho người mắc bệnh mất ngủ.
 
Chiếc xe buýt 2 tầng thực hiện hành trình không điểm đến
 
Vào một chiều chủ nhật đầy nắng, khoảng 70 hành khách mọi lứa tuổi, từ em bé nghịch ngợm đến cụ già râu tóc bạc phơ, lên 2 chiếc xe buýt 2 tầng và bắt đầu hành trình không điểm đến. Một là khoang im lặng - nơi mọi người có thể ngủ, khoang còn lại dành cho một lựa chọn truyền thống hơn: ngắm cảnh phố phường. 
 
Hành trình kéo dài 85km bắt đầu từ một quận đông đúc trong thành phố và chủ yếu đi trên các tuyến đường ven biển đến sân bay, trong đó có dừng ở những địa điểm có quang cảnh đẹp. Trong khi một số hành khách thích ngắm cảnh, nhiều người lại đeo tai nghe được phát trên xe, cùng khẩu trang, và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ trong suốt hành trình kéo dài 5 giờ này.
 
Giá vé cho một chuyến du lịch không điểm đến khoảng 99-399 HKD (12-51 USD); giá ghế tầng cao ngắm cảnh sẽ cao hơn.
 
Hành khách Ho Wai, chọn khoang im lặng, chia sẻ: “Tôi nghĩ ai cũng từng trải qua cảm giác không thể ngủ ở nhà, nhưng họ có thể ngủ rất ngon trên xe buýt khi xe lắc lư và rung chuyển. Mọi người Hồng Công đều gặp căng thẳng từ công việc, tiền thuê căn hộ, cuộc sống và giờ không thể đi du lịch. Với tất cả căng thẳng dồn nén này, tôi nghĩ nhiều người Hồng Công khó có thể ngủ ngon. Mọi người đều đã có những lúc mất ngủ ở nhà, nhưng lại có thể dễ dàng ngủ trên xe buýt vì đi xe như được ru”.
 
Du khách Matthew Chick cho biết, anh đã mất ngủ trong những tuần gần đây và quyết định thực hiện hành trình này. Nhưng anh không rời mắt khỏi khung cảnh đường phố bên ngoài do “thời tiết hôm nay quá đẹp”, người đàn ông 29 tuổi giải thích lý do anh không ngủ. 
 
Ông Frankie Chow, Chủ tịch Hãng lữ hành Ulu Travel, người có ý tưởng về dịch vụ du lịch trên, cho biết, ông chủ ý chọn lộ trình qua ít đèn giao thông nhất để giảm số lần phải dừng lại khiến hành khách thức giấc. Ông hướng dịch vụ này tới 2 mục đích: một giấc ngủ cho những người khó ngủ và một chút phấn khích cho những ai muốn ngắm cảnh khi toàn thành phố đang bị cắt đứt với bên ngoài. Hồng Công nằm trong số những nơi áp dụng các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới để phòng dịch Covid-19. Chiến lược này đã giúp khống chế số ca mắc Covid-19 ở mức thấp, song khiến trung tâm kinh doanh nổi tiếng là “Thành phố thế giới của châu Á” này bị cách biệt với thế giới suốt 20 tháng qua.
 
Xu hướng trả tiền để đổi lấy sự yên tĩnh không chỉ xuất hiện ở Hồng Công. Nhiều người Hàn Quốc căng thẳng trong cuộc sống cũng đang tìm kiếm sự yên tĩnh tại các quán cà phê, nơi họ có thể đặt trước theo khoảng thời gian để ngồi trong im lặng và tách biệt với mọi người. Năm 2015, các quán cà phê im lặng cũng nổi lên ở Nhật Bản. Mọi người tìm đến những không gian này để ngồi một mình và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
Báo Sài Gòn giải phóng