Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ là nói đến đất nước nối liền hai bờ Á - Âu, là nơi giao thoa của hai nền văn hóa phương Đông, phương Tây và là đất nước có lịch sử lẫy lừng. Đặc biệt đây cũng là một trong những nơi lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn của Hy Lạp và La Mã nhất. Và thành phố Ephesus chính là điểm đến tuyệt vời để khám phá vẻ đẹp mang dấu ấn La Mã lãng mạn nhưng cũng có chút bí ẩn, hoài cổ.
Nhà hát được thiết kế hình bán nguyệt có sức chứa đến 25.000 người.
Trung tâm đế chế một thời
Ephesus là một trong những thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của khu vực Địa Trung Hải cổ đại, nằm trên bờ biển phía tây Tiểu Á, ngày nay thuộc phía Tây Nam thị trấn Selcuk, tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những khu định cư lâu đời nhất của người Hy Lạp trên biển Aegean, sau này là nơi đóng quân của chính quyền La Mã ở châu Á. Ephesus được xây dựng từ thế kỷ X trước Công nguyên và là một trong 12 thành phố của Liên bang Ionia - vùng đất màu mỡ nhất của Tiểu Á (gồm có Iasos, Phocaea, Myus, Smyma, Magnesia...).
Ephesus phát triển thịnh vượng nhất dưới thời Alexander Đại đế, khi người La Mã chiếm Tiểu Á thì thành phố này được chọn làm thủ phủ đồng thời là đô thị lớn nhất của khu vực. Theo ước lượng, Ephesus có dân số từ 33.600 tới 56.000 người dưới đế chế La Mã. Thành phố này một thời là trung tâm của đế chế với tầm quan trọng cả về chính trị, văn hóa và kinh tế. Xét về mật độ dân số và sự phồn thịnh, Ephesus chỉ đứng sau Rome lúc bấy giờ. Ephesus trở thành một bang của Seljukian vào năm 1090 và có thời gian do đế chế Byzantine nắm giữ. Năm 1307, người Seljukian kiểm soát thành phố một lần nữa, cho đến khi đế chế Ottoman bắt đầu thống trị Thổ Nhĩ Kỳ thì cả diện tích lẫn dân số giảm dần đều. Đến thế kỷ XV, Ephesus bị vùi lấp bởi thiên tai và dần chìm vào quên lãng. Cho đến năm 1836, các nhà khảo cổ mới tìm thấy và khai quật nơi này để Ephesus có diện mạo như ngày hôm nay.
Thư viện Celsus từng là thư viện lớn thứ 3 thế giới cổ đại.
Điểm du lịch hấp dẫn
Đi trên con đường trải dài hơn 3km quanh khu vực thành cổ, có cảm giác như đang quay trở lại thời gian 3.000 năm trước. Ngay từ khi qua cổng soát vé, du khách sẽ đi bộ trên đại lộ Ephesus rộng lớn với hai hàng cột đá cẩm thạch hai bên đường. Dọc theo đại lộ là hàng loạt các công trình lớn nhỏ như tòa nhà hành chính, đài phun nước, đền thờ... Du khách có thể thấy đền thờ Hadrian được xây dựng từ thế kỷ II với kiến trúc Hy Lạp, La Mã quen thuộc để tưởng nhớ Hadrianus - Hoàng đế của Đế quốc La Mã, trị vì từ năm 117 cho đến khi qua đời vào năm 138. Ngôi đền đã bị tàn phá khá nhiều, chỉ còn lại cánh cổng là tương đối nguyên vẹn.
Cách đền thờ chỉ 500m là công trình đẹp nhất của Ephesus - thư viện cổ Celsus độc đáo và tráng lệ. Celsus từng là thư viện lớn thứ ba thế giới cổ đại (chỉ sau Alexandria và Pergamum), được xây dựng năm 110 theo tên của quan chấp chính La Mã - Tiberius Julius Celsus Polemaeanus. Celsus đã từng chứa đến 12.000 đầu sách về đủ các lĩnh vực và đây cũng là điểm lui tới thường xuyên của các nhà học giả La Mã cổ đại. Vào thế kỷ X, thư viện Celsus đã bị phá hủy bởi một trận động đất lớn và hiện tại chỉ còn sót lại duy nhất cánh cổng. Nhưng chỉ với cánh cổng đó thôi ta đã thấy sự đồ sộ và vẻ đẹp tinh tế của nơi này. Các cột Corinthian được điêu khắc tinh xảo, toàn bộ công trình từ sân cho tới tường thư viện đều là đá cẩm thạch. Hai bên lối vào là những dòng chữ Hy Lạp và Latinh mô tả cuộc sống của Celsus. Phía trước tòa nhà thư viện 2 tầng có 4 bức tượng mang tên: Sophia - tượng trưng cho sự thông thái, Arete - tượng trưng cho đức hạnh, Ennoia - tượng trưng cho sự tư duy và Episteme - tượng trưng cho tri thức. Mái vòm thư viện được chạm khắc họa tiết và trang trí lộng lẫy.
Ngoài thư viện, một công trình khác tiêu biểu cho sự thịnh vượng trong đời sống văn hóa và tinh thần của thành phố cổ đại Ephesus chính là nhà hát ngoài trời khổng lồ. Nhà hát được thiết kế hình bán nguyệt có sức chứa đến 25.000 người, các hàng ghế ngồi được xếp lớp thành từng tầng cao dần được làm hoàn toàn bằng đá. Dù bạn có ngồi ở góc nào, trên cao hay dưới đều có thể nghe rõ âm thanh trên khán đài. Phía trước sân khấu, bạn sẽ thấy những hàng cột thẳng tắp cùng các pho tượng điêu khắc đậm chất La Mã.
Dù chỉ còn lại tàn tích nhưng không thể phủ nhận Ephesus có một sự hấp dẫn về mặt văn hóa tinh thần. Ephesus là minh chứng cho thời kỳ Hy Lạp, La Mã và thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ ai khi tới Ephesus cũng sẽ quyến luyến vẻ đẹp lộng lẫy và hoài cổ của nơi được mệnh danh là vàng son của đế chế La Mã này.
Trần Ngọc Nga