Du lịch đến An Giang, hầu hết du khách ghé qua Vĩnh Tế sơn, thường gọi là núi Sam, ở TP Châu Ðốc. Ngọn núi cao 228 mét và chu vi 5.200 mét này, vươn mình giữa một vùng đồng ruộng bát ngát, án ngữ cửa ngõ vào vùng Thất Sơn. Dưới chân núi có những di tích nổi tiếng như chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu… Tuy nhiên nếu có thời gian, các bạn nên thử leo lên núi để tìm kiếm những trải nghiệm thú vị cùng thiên nhiên.
Một góc chùa Hang.
Núi Sam có ba phần chính là ngọn Ðầu Bờ phía Ðông, cao nhất là đỉnh núi và ngọn Ðá Chẹt phía Tây. Thời xa xưa, châu thổ Cửu Long còn chìm trong nước biển, hòn Sam nổi trên mặt nước, mang hình dáng như con sam khổng lồ. Ðến khi nước biển rút, hòn Sam nằm giữa đồng bằng nên gọi là núi Sam, còn có tên là Hấu sơn, Học sơn. Sau khi việc đào kênh Vĩnh Tế hoàn tất, vua Minh Mạng đã tứ danh ngọn núi này là Vĩnh Tế sơn, theo tên Chánh thất phu nhân của cụ Thoại Ngọc Hầu.
Có thể lên núi bằng hai con đường. Ðường tráng nhựa phía sau núi cho phép ô tô và xe hai bánh có thể đi dễ dàng. Từ Châu Ðốc đến ngã ba Ðầu Bờ rẽ trái một đoạn nữa là đến. Trên đường, du khách có thể viếng chùa Long Sơn đồ sộ bên triền núi, trong một quang cảnh xinh đẹp, thanh thoát. Thỉnh thoảng chuông chùa ngân trầm mặc giữa núi rừng sẽ làm bạn cảm thấy thư thái hơn trong chuyến đi đang thấm mệt.
Giữa đoạn đường bạn sẽ thấy ngôi biệt thự của bác sĩ Nu - một kiến trúc hiện đại, vừa tao nhã, vừa sống động. Trước đây, bác sĩ Nu xây ngôi nhà này dùng để nghỉ mát, an dưỡng. Theo thời gian nhà bị hư hỏng, hiện nay đã chỉnh trang lại như kiến trúc cũ để làm nhà nghỉ. Gần đến đỉnh núi có một ngôi miếu nhỏ thờ chí sĩ Trương Gia Mô (1866-1929). Ông là một nhà nho yêu nước quê ở Bến Tre, làm quan thời vua Thành Thái. Dâng lên triều đình bản điều trần cải cách nhưng không được chấp nhận, ông từ quan về miền Nam. Mang tâm trạng buồn đau, bế tắc, cuối cùng ông gieo mình từ đỉnh núi Sam tự tử.
Ðường thứ hai lên núi Sam là đường nấc thang sau lăng Thoại Ngọc Hầu, chỉ dành cho người đi bộ. Ðường ngắn nhưng dốc, có nhiều chùa miếu và quán ăn uống để du khách dừng chân. Gần đỉnh núi có chùa cổ Giác Hương thành lập từ năm 1878. Ðỉnh của núi Sam có tên gọi là Pháo Ðài vì năm 1896 Chủ tỉnh Châu Ðốc Doceuil đã cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát trên đỉnh núi, tầng trên cùng có hình trôn ốc nên người dân gọi là Pháo Ðài. Trong thời kỳ chiến tranh, Pháo Ðài cũng là căn cứ quân sự chiến lược, tuy nhiên đã bị phá hủy. Lên đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy Pháo Ðài chỉ còn là phế tích với những bức tường loang lổ. Tại đây, bạn cũng sẽ thấy bệ đá màu xanh đen, hình vuông, tương truyền là nơi đặt tượng Bà Chúa Xứ trước khi được đem về miếu.
Từ đoạn đường này bạn có thể vòng qua sườn núi phía Bắc để đến ngoạn cảnh đồi Bạch Vân. Ðồi cao khoảng 100 mét, trước đây có tên là núi Nhỏ. Khoảng thập niên 1940 có người đến đây lập am tu hành, đặt tên là am Bạch Vân, dần dần người dân dùng tên đó để gọi ngọn đồi. Trên đồi có khí hậu trong trẻo, mát mẻ, với nhiều tảng đá lớn, hang động thú vị… là một điểm tuyệt vời để hóng mát, ngắm cảnh, vui chơi. Chúng ta cũng có thể men theo sườn núi đến chùa Hang (chùa Phước Ðiền) khá nổi tiếng cách đó không xa.
Chùa Hang do bà Thợ lập vào thập niên 1850. Bà tên thật là Lê Thị Thơ (1818-1899), quê ở Chợ Lớn, làm nghề thợ may nên được gọi là bà Thợ. Con đường tình duyên lận đận, bà muốn lánh cõi trần tục nên tìm đến chùa Tây An ở núi Sam để tu hành với pháp danh Diệu Thiện. Sau một thời gian, thấy chùa Tây An quá đông đúc, bà rời khỏi và đi về phía Tây núi Sam, tại đây bà gặp hang sâu yên tĩnh nên ở lại tu hành. Tương truyền, trong hang sâu có cặp rắn khổng lồ là thanh xà và bạch xà, hằng đêm đến nghe kinh và bảo vệ cho hang thờ Phật của bà. Sau này sư bà viên tịch, đôi mãng xà cũng biến mất.
Ðến năm 1885, chùa Phước Ðiền được xây dựng. Sau đó qua nhiều lần trùng tu, chùa mở rộng thêm nhiều hạng mục hoành tráng như hiện nay. Chùa mang phong cách Thiền tông, gồm nhiều tòa nhà kiến trúc gần giống nhau nhưng chức năng khác nhau. Chánh điện bài trí đơn giản, thanh thoát và tôn nghiêm. Phía sau là chánh điện còn một di tích quan trọng, đó là hang mà sư Diệu Thiện từng tu hành, hiện nay phần sâu bên trong đã được lấp kín để tránh nguy hiểm, chỉ còn lại 10 mét. Ngày nay, chùa Hang là một kiến trúc tinh xảo nằm trên núi Sam với tổng thể màu nâu đỏ thâm nghiêm, trầm mặc, như chốn bồng lai bất chợt hiện ra trước mắt du khách. Cảnh chùa thanh tao, dựa vào lợi thế cảnh trí núi non, khí hậu thật mát mẻ.
Các bạn trẻ thường thích lên núi Sam ngoạn cảnh. Từ trên độ cao của núi nhìn xuống, men theo sườn núi là những cây phượng đỏ và huỳnh mai trổ bông rực rỡ giữa màu xanh đại ngàn, dưới chân núi là con đường Tân Lộ Kiều Lương trải dài giữa nhà cửa chi chít. Xa xa là cánh đồng biên giới bát ngát như tấm lụa óng ả ngày mùa, xen lẫn những dòng kênh xanh lơ và xa hơn nữa là đô thị Châu Ðốc nằm quyện với sương mờ. Nhìn sang phía Tây, vùng núi Dài Năm Giếng sừng sững như tường thành, núi Cấm phía xa tít mờ ảo trong sương. Gió từ đồng ruộng cứ rì rào thổi lên núi rất mát mẻ. Tất cả như thoát tục, tạo nên cảm giác khó quên trong lòng du khách.
Bài, ảnh: Anh Từ