Những năm gần đây, du lịch tỉnh Cao Bằng có sự phát triển vượt bậc. Dù vậy, Cao Bằng vẫn cần có những đột phá để đưa ngành du lịch theo định hướng phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, một điểm đến lý tưởng của du khách khi đặt chân tới Cao Bằng. Ảnh: Tuấn Hùng
Tăng trưởng du lịch hơn 25% mỗi năm
Cao Bằng là địa bàn sinh sống của hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số với nét sinh hoạt văn hóa riêng, đa sắc tộc, tạo ra lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Địa phương biên giới này có quần thể di sản văn hóa dày đặc, với hơn 200 di tích, 3 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Cao Bằng còn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, say đắm lòng người như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi; quần thể hồ Thang Hen, với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế cao...
Với những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa, tháng 4-2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này đã mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, đem đến những đóng góp rất tích cực, hiệu quả đột phá cho ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, giai đoạn 2016-2020, lượng khách đến Cao Bằng đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 98% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó, khách quốc tế đạt trên 420 nghìn lượt, tăng 213%. Doanh thu từ ngành du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 192% so với giai đoạn trước; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Cao Bằng trong 11 tháng của năm 2021 chỉ đạt gần 400 nghìn người, trong đó, khách quốc tế là hơn 1.300 người, giảm gần 90% so với năm 2000. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 63 tỷ đồng.
Tập trung vào 3 đột phá
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng du lịch của Cao Bằng 5 năm qua là khá ấn tượng so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng, lợi thế thì những con số kể trên vẫn còn quá khiêm tốn. Đặc biệt, nếu nhìn trên tổng thể phát triển du lịch của vùng Đông Bắc, Cao Bằng vẫn chưa khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch vùng, mặc dù sở hữu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nổi trội.
Trước mắt, để phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngành du lịch đã triển khai các giải pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng đã hướng dẫn áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với những cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên du lịch thuộc diện được nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 55/NQ-CP của Chính phủ với số tiền gần 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch trên 70 triệu đồng. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.
Trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, tỉnh Cao Bằng mở cửa từng bước hoạt động du lịch với rất nhiều biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch. Theo đó, các tour du lịch được tổ chức theo hình thức khép kín, từ điểm xuất phát đến thẳng điểm du lịch, không nghỉ những nơi không an toàn giữa chặng đường di chuyển. Các cơ sở du lịch đều phải xây phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19. Du khách khi đến cơ sở du lịch phải cam kết thực hiện nghiêm 5K và đã được tiêm vaccine.
Về dài hạn, địa phương này cũng xây dựng đề án phát triển du lịch Cao Bằng tầm nhìn đến năm 2035 với những giải pháp đồng bộ. Để khai thác hiệu quả tiềm năng có sẵn và phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch Cao Bằng xác định tập trung vào các đột phá lớn là về công tác quy hoạch du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch và ứng dụng công nghệ trong hoạt động lữ hành. Theo đó, quy hoạch ngành du lịch gắn bó chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, quốc phòng - an ninh..., bởi quy hoạch tốt sẽ tạo tầm nhìn ổn định, dài hơi, là căn cứ cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nguồn lực đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, có tính cạnh tranh cao.
Cao Bằng đặt mục tiêu đến năm 2025, đón khoảng 4 triệu khách du lịch, tăng từ 15-18%, trong đó, trên 900.000 lượt khách quốc tế, tăng 30-32%; Tăng trưởng du lịch đạt từ 18-20%; Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 5.000 tỉ đồng, tỷ trọng du lịch chiếm 5-6% tổng GDP toàn tỉnh. |
Với các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Cao Bằng có thể tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm chính là văn hóa, sinh thái. Trong đó, có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt như du lịch tham quan danh thắng và di tích lịch sử với các điểm đến như thác Bản Giốc, sông Quây Sơn, Khu du di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó, công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng; du lịch mạo hiểm khám phá các hang động, du lịch qua biên giới, du lịch nghỉ dưỡng núi...
Mục tiêu là tạo ra nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm khác nhau cho khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch đến Cao Bằng.
Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng sẽ đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh lân cận, để hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng có tính liên kết, tạo sức hấp dẫn mới mẻ hơn cho khách du lịch. Ngành Du lịch Cao Bằng cũng cần tận dụng kinh nghiệm của các địa phương đã phát triển thành công để tạo đột phá về ứng dụng công nghệ trong hoạt động lữ hành, thực hiện chuyển đổi số du lịch, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch Cao Bằng để có thể tích hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, tạo thuận lợi cho du khách tra cứu thông tin.
An Nhiên