Gia Lai: Đa dạng sản vật từ làng
Cập nhật: 19/01/2022
Tháng Chạp, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai tất bật chuẩn bị những sản vật đặc trưng để phục vụ các lễ hội truyền thống và nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Rượu cần, muối kiến chờ Tết

Nửa tháng nay, gia đình chị Đinh Thị Pldới (làng Hven, thị trấn Đak Pơ) bắt tay ủ rượu cào cào để bán trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. Mảnh sân phơi đầy hạt cào cào, men lá trữ sẵn trong nhà. Chị phấn khởi chia sẻ: “Trong các loại rượu cần của người Bahnar thì rượu ủ từ hạt cây cào cào là ngon và khó làm nhất. Để có một bình rượu cần thơm ngon, chúng tôi phải lên rừng hái lá làm men và trồng cây cào cào trong rẫy. Đến cuối năm, thu hoạch hạt cào cào về phơi khô, rửa sạch, nấu chín rồi mới ủ rượu. Vì cây cào cào khó trồng nên loại rượu này có giá từ 400 đến 700 ngàn đồng/ghè”.

Chị Đinh Thị Chới (cùng làng) cũng được nhiều người biết đến bởi khả năng ủ rượu cần. Cứ đến dịp Tết cổ truyền là chị lại bận rộn chuẩn bị nguyên liệu ủ rượu. “Với người Bahnar, rượu cần là thức uống không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Hồi trước, mình chỉ ủ rượu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, 3 năm nay, khách ở trong và ngoài tỉnh hỏi mua nhiều nên mình làm bán. Khi chế biến, mình thường sử dụng nước mưa nên rượu thơm và ngọt, được thực khách ưa chuộng, có người ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng gọi điện đặt hàng”-chị Chới tâm sự.

Bà Nay H’Lơm (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chuẩn bị nguyên liệu ủ rượu cần. Ảnh: Thiên Di

Ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện), gia đình bà Nay H’Lơm cũng đã ủ sẵn 10 ghè rượu được làm bằng công thức của người Jrai để thết đãi họ hàng, làng xóm dịp Tết này. “Mình chủ yếu làm rượu cần để nhà dùng hoặc tặng người thân quen thôi. Cuối năm nay, gia đình và dòng họ tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng nên mình ủ 10 ghè. Mình chỉ dùng lá, rễ cây làm men để ủ với gạo, bắp, củ mì, hạt kê, vỏ trấu, than”-bà H’Lơm chia sẻ.

Với gia đình chị Ksor H’Djom (xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa), công việc chuẩn bị các sản vật đặc trưng để bán cho khách dùng dịp Tết bắt đầu từ tháng 9/2021. Năm nay, chị tập trung làm các loại muối: kiến vàng, lá é, cá trích, cỏ thơm groach. “Các mặt hàng do gia đình làm được khách đặt mua khá nhiều. Tùy theo từng thời điểm mà chúng tôi làm sản phẩm nhiều hay ít, giá cả dao động 30-35 ngàn đồng/hộp”-chị H’Djom bộc bạch.

Tạo nguồn thu ổn định

Gia Lai có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những giá trị văn hóa, món ăn, thức uống mang đậm bản sắc. Do vậy, việc người dân chế biến các sản vật đặc trưng không chỉ góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa mà còn giúp họ có thêm thu nhập. Chị Ksor H’Djom cho hay: “Hiện nay, mình và bố mẹ cùng làm các loại muối để bán, nhiều nhất là trong dịp Tết”-chị H’Djom cho hay.

Đối với chị Đinh Thị Pldới và Đinh Thị Chới, dịp Tết Nguyên đán, các chị thu về khoảng 10 triệu đồng. Chị Chới thổ lộ: “Dịp Tết năm ngoái, mình bán được 20 ghè rượu, thu về hơn 10 triệu đồng. Tết năm nay, mình làm chừng 20 ghè, giá từ 250 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/ghè, ước tính thu về số tiền bằng dịp Tết năm ngoái”.

Rượu cần-thức uống độc đáo của người Jrai, Bahnar ở Gia Lai. Ảnh: Thiên Di

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện có một số mô hình kinh doanh thực phẩm nhà làm. Trong số này, nhiều sản phẩm rượu cần, rượu bắp, măng rừng… do các hộ dân tộc thiểu số tự làm. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm này đảm bảo chất lượng, thơm ngon, được khách hàng tin tưởng. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân có sự liên kết, thành lập tổ hợp tác để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thiên Di - Nguyễn Hiền

Báo Gia Lai