Còn gần một tháng nữa mới đến Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây 2022 nhưng bạn Thạch Si Phuôl (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đã bắt đầu chuẩn bị bộ trang phục mới để đón tết. Việc mặc trang phục truyền thống trong dịp năm mới không chỉ giúp tôn vinh vẻ đẹp của những thiếu nữ như Si Phuôl, mà còn trở thành một nét văn hóa độc đáo được đồng bào Khmer ra sức giữ gìn.
Thiếu nữ Khmer mặc trang phục truyền thống dịp lễ hội (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: H.T
Chú Trọng Tuyên Truyền
Những năm gần đây, về các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như: xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) ngày càng khó để bắt gặp hình ảnh trang phục truyền thống xuất hiện trong cuộc sống đời thường. Thậm chí, trong các dịp tết và lễ hội văn hóa, nhiều người dân, nhất là thanh niên dân tộc lại có xu hướng chuộng thời trang hiện đại hơn những bộ trang phục cổ truyền. Điều này tạo ra thách thức lớn đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer trước sự du nhập của những “làn sóng” văn hóa mới.
Bà Mã Mỹ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, cho biết: “Là địa bàn có đông đồng bào Khmer, vì vậy trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, xã đã lồng ghép thêm việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng. Ngoài các dịp lễ hội, địa phương còn khuyến khích đồng bào Khmer mặc trang phục của dân tộc mình trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư”.
Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, học sinh cũng được khuyến khích mặc trang phục dân tộc vào ngày lễ 20/11, khai giảng năm học mới và những sự kiện quan trọng của trường. Đồng thời, thường xuyên có hoạt động truyên truyền, giáo dục để học sinh Khmer nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa này.
Đoàn nghệ thuật quần chúng Bạc Liêu trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ năm 2017.
Nhân Rộng Hoạt Động Trình Diễn
Vào năm 2017, Bạc Liêu đăng cai Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII, qua đó đã góp phần tôn vinh, bảo tồn nét đẹp văn hóa Khmer. Trong khuôn khổ sự kiện có nhiều hoạt động đặc sắc, tạo được ấn tượng với người dự hội là liên hoan Nghệ thuật quần chúng. Đoàn nghệ thuật quần chúng Bạc Liêu và các tỉnh bạn đã trình diễn, giới thiệu những mẫu trang phục Khmer được dùng trong lễ cưới, lễ hội và trong lao động, cuộc sống đời thường.
Đến với liên hoan, Bạc Liêu chọn tái hiện các nghi lễ đám cưới của người Khmer để giới thiệu trang phục truyền thống. Trong ngày đặc biệt này, cô dâu mặc áo Coòm pong vuêng, đầu đội mũ cưới được thiết kế tinh xảo, với sắc màu lộng lẫy, còn chú rể diện áo cổ đứng, tay dài bằng vải pren tơ tằm, trên vai gắn khăn Kòn xên pắc. Cùng với đó là mẫu trang phục cưới được cách tân, kèm theo trang sức thể hiện sự sang trọng và tôn thêm nét dịu dàng của cô gái Khmer trong thời hiện đại.
Từ hoạt động trên, thiết nghĩ các hoạt động nghệ thuật Khmer sắp tới của Bạc Liêu nên nhân rộng những tiết mục trình diễn thời trang để khán giả cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp, sự độc đáo của trang phục dân tộc. Thông qua đó, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc trong đồng bào Khmer, nhất là thế hệ trẻ.
Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông) đang được tỉnh hoàn thiện để đề nghị công nhận điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Trụ trì chùa - Thượng tọa Dương Quân, chùa sẽ tổ chức hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật với du khách để lan tỏa sự đặc sắc của nghệ thuật Khmer và trang phục truyền thống.
Trang phục truyền thống được xem là một phần không thể thiếu khi nói về bản sắc văn hóa Khmer. Chính vì vậy, giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần được sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành và trước hết là ý thức trách nhiệm của chính đồng bào phum sóc.
Hữu Thọ