Bám sát chủ đề “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn”, UBND huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đặt mục tiêu sớm phục hồi và khai thác hiệu quả các điểm đến khi cuộc sống chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Sở hữu nhiều lợi thế về sinh thái, văn hóa, lịch sử, huyện Kbang được Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú bậc nhất về du lịch của tỉnh. Các điểm đến trên địa bàn ngày càng thể hiện rõ sức hút đối với du khách. Đáng chú ý, trong kỳ nghỉ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người tham gia tour trekking vào thác 50 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) để được thỏa thuê nhìn ngắm “suối tóc” của đại ngàn. Trong khi đó, các làng du lịch cộng đồng lâu nay cũng chủ động kế hoạch phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất.
Đoàn farmtrip gồm nhiều doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội và Đà Nẵng khảo sát tại thác 50 (huyện Kbang) vào cuối tháng 3/2022. Ảnh: Hoàng Ngọc
Vừa cùng 3 thành viên trong gia đình trải qua chuyến tham quan tại thác 50, chị Nguyễn Kim Chi (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) lấy làm thích thú: “Thác rất đẹp, hùng vĩ, không khí trong lành. Hai con tôi thích trải nghiệm trong chuyến đi này như vượt đường rừng, nấu ăn, đọc sách bên suối”. Còn anh Nguyễn Anh Dũng-du khách đến từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vẫn chưa quên những ngày lưu trú tại homestay A Ngưi cũng như làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng. “Tôi được tham gia nghi lễ “Mừng lúa mới”, hiểu thêm về sinh hoạt thường ngày cũng như nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Bahnar nơi đây, nhất là về vai trò trụ cột của người phụ nữ trong gia đình”-anh Dũng cho hay. Với anh, vượt qua khoảng cách địa lý gần trăm cây số từ biển lên rừng để trải nghiệm một nền văn hóa khác là trải nghiệm bổ ích và thú vị.
Nhằm đón đầu cơ hội khi cuộc sống chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, UBND huyện Kbang cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch năm 2022. Trao đổi cùng P.V, ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết, địa phương đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng du lịch về văn hóa, danh lam thắng cảnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng văn hóa ứng xử, bảo vệ môi trường trong các cơ quan, các tổ chức đoàn thể và trong cộng đồng dân cư. Chọn phát triển du lịch cộng đồng làm thế mạnh, huyện chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống; khuyến khích hộ gia đình phát triển các dịch vụ văn hóa, ẩm thực; triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định: Để đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch, trong năm 2022, huyện bắt tay cải tạo, sửa chữa các hạng mục, công trình bị xuống cấp, tạo môi trường và cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, đẹp tại các di tích lịch sử-văn hóa. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục sưu tầm và trưng bày những hiện vật có liên quan đến các di tích; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thuyết minh viên; khoanh vùng quản lý, bảo vệ và triển khai dịch vụ du lịch tại một số di tích lịch sử-văn hóa và điểm du lịch sinh thái.
Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, huyện tổ chức sưu tầm, phục dựng và khai thác lễ hội truyền thống của dân tộc Bahnar tại làng Stơr (xã Tơ Tung); làng Mơ Hra, Kgiang (xã Kông Lơng Khơng), làng Chiêng (thị trấn Kbang). Đặc biệt là duy trì các đội cồng chiêng, bồi dưỡng nghệ nhân truyền dạy nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, trình diễn nhạc cụ... phục vụ du khách. Huyện cũng lập phương án vận động các hộ dân có điều kiện xây dựng homestay tại các làng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng; tiến hành nâng cấp, sửa chữa nhà rông, nhà sàn truyền thống của người Bahnar; huy động người dân tham gia phục vụ dịch vụ ẩm thực bản địa gắn với nuôi trồng và khai thác đặc sản của huyện như: gà đồi, cá tầm, heo đen, lá mì-cà đắng, ốc đá, rượu cần... Cùng với đó, phục dựng các nghi lễ “Mừng nhà rông mới” tại làng Mơ Hra; “Mừng lúa mới” tại làng Kgiang; “Lễ thổi tai” tại làng Leng (xã Tơ Tung) để phục vụ du khách.
Du khách thích thú với trải nghiệm văn hóa khi đến Kbang (ảnh chụp trước tháng 4/2021). Ảnh: Lam Nguyên
Theo ông Y Phương, bên cạnh chú trọng xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch, huyện duy trì định kỳ và đổi mới hình thức tổ chức Ngày hội du lịch huyện Kbang; xây dựng Chương trình OCOP tập trung vào các sản phẩm: thực phẩm (trái cây, hạt mắc ca, măng khô, rau an toàn, mật ong, rượu cần), các loại thảo dược (mật nhân, sa nhân, các loại sâm, nấm...); đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm, đồ mỹ nghệ…
Với nỗ lực từ chính quyền đến người dân, Kbang đang chiếm được cảm tình của du khách gần xa. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng cần được quan tâm, đầu tư hoàn thiện như ý kiến của chị Nguyễn Kim Chi: “Lượng người đổ về tham quan thác 50 ngày càng tăng, nhưng một bộ phận chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, trong lành vốn có. Hy vọng tình trạng này sẽ được khắc phục để du khách có được những cảm xúc thật trọn vẹn khi đến đây”. Còn anh Nguyễn Anh Dũng thì góp ý: Nếu các điểm đến văn hóa trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, bài bản hơn thì du lịch Kbang còn có thêm nhiều “điểm cộng”.
Nắm bắt, hiểu rõ những hạn chế này, UBND huyện Kbang nhận thức phải gấp rút khắc phục, đồng thời tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch đã được quy hoạch. Kết hợp nguồn vốn từ ngân sách, các dự án và vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thông tin liên lạc tại các điểm đến cùng các hoạt động vui chơi, giải trí thêm phong phú và đặc sắc.
Lam Nguyên