Cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội diễn ra lễ khởi công dự án “Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài”. Theo kế hoạch, sau khi dự án hoàn thành, công trình sẽ được khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sẽ được bảo tồn, sửa chữa. (Ảnh: laodongthudo.vn)
Sự kiện lập tức thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và đông đảo người dân Thủ đô bởi nếu thành công thì từ đây sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc bảo tồn các di sản kiến trúc Pháp hiện có tại Hà Nội.
Hiện nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội có hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954, với đặc trưng kiến trúc Pháp vô cùng đặc sắc. Theo đánh giá của kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, những kiến trúc Pháp tại Hà Nội là “một bộ phận quan trọng cấu thành nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội”. Tuy nhiên, những công trình này đang vất vả chống chọi lại sự tàn phá của thời gian. Nếu được trùng tu, bảo tồn đúng cách, nhiều ngôi nhà hoàn toàn có thể tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống hiện đại như trở thành các địa điểm tham quan, địa chỉ văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng…
Câu chuyện bảo tồn, sửa chữa, phục dựng các di sản kiến trúc bị hư hỏng nặng không chỉ là mối quan tâm lo lắng của riêng Hà Nội. Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang chứng kiến sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của nhiều công trình kiến trúc có giá trị với tuổi đời hàng trăm năm. Theo thời gian, trải qua nhiều biến cố như thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh..., không ít công trình ghi những dấu ấn đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đang đứng trước nguy cơ biến mất. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để lưu giữ những di sản quý giá ấy, cho hôm nay, và quan trọng hơn, là cho các thế hệ mai sau. Bởi khi di sản đã mất đi vì bất cứ lý do nào, chúng ta cũng không có cách nào bù đắp lại được.
Thời gian qua, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố chứng kiến tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chưa từng có. Trong công cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đô thị nhằm thay đổi diện mạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời đại mới, không ít công trình kiến trúc có giá trị từ thế kỷ trước đã bị xóa sổ một cách đáng tiếc, thay bằng các tòa cao ốc, các khu đô thị mới đông đúc dân cư... Vẫn biết đây là điều cần thiết, có tính tất yếu, song nếu không có chính sách, giải pháp đúng đắn với những di sản có giá trị thì chúng ta đang tự đánh mất đi tài sản quý giá mà thế hệ trước để lại.
Thực tế này đòi hỏi một cuộc tổng kiểm tra, rà soát trên quy mô lớn, nhằm phân loại, đánh giá những công trình kiến trúc có giá trị để có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản một cách hiệu quả. Hiện nay, vấn đề “bảo tồn thích ứng” đang được một số chuyên gia đặt ra từ việc tham khảo kinh nghiệm của các nước. Cụ thể, đối với các công trình kiến trúc có giá trị, dù chưa được công nhận là di sản nhưng nếu thuộc khu vực được bảo tồn thì cần có chính sách bảo vệ, ứng xử phù hợp với những công trình này.
Theo đó, người dân vẫn được tiếp tục khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ các công trình, mặt khác, ràng buộc trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ công trình đó. Đồng thời, cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực được bảo tồn cần không ngừng nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Bởi gìn giữ, bảo vệ được di sản, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Và quan trọng hơn, các di sản sẽ tiếp tục phát huy vai trò, giá trị trong đời sống hiện đại.
Thành Nam