Những ngày đầu vụ ngô vài năm trước, Ly Mý Hà (Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) nhắn tin qua Zalo cho tôi: “Chị biết ở đâu bán giống ngô CP999 không, em tìm mãi mà không còn bán. Có giống đấy mới trồng hiệu quả ở đây thôi chị ạ”.
Sông Nho Quế địa phận Mèo Vạc.
Nhà Hà ở gần điểm cực bắc của đất nước. Nương của gia đình Hà cũng nằm ngay sát sông Nho Quế, cấy cày ngay ven con sông như một sợi chỉ xanh vắt hờ hững qua cao nguyên đá. Trên mảnh đất chỉ có ngô là sống được, cả bản Xéo Lủng đã ở đây, như lời bố của Hà, 11 đời nay.
Hàng trăm năm sông dưới chân mình
Tôi giúp Hà liên hệ với một kỹ sư nông nghiệp, chuyên cung cấp giống ngô cho bà con vùng núi. Nhưng có vẻ như chị ấy và Hà không thể giải thích được với nhau. Giống ngô Hà cần mấy năm nay không mấy nơi còn bán, người ta bắt đầu chuyển sang nghiên cứu các giống lai năng suất cao hơn. Chị kỹ sư giới thiệu vài giống cho Hà, nhưng Hà bảo, cậu đã thử nhiều lắm rồi, đất ở Xéo Lủng, chỉ có loại CP999 cũ kỹ ấy là năng suất cao nhất, những loại khác hoặc không sống được, hoặc năng suất kém đi. Mỗi năm chỉ có một vụ ngô, người dân Xéo Lủng chưa dám liều. Sát mép sông, nhưng như bất cứ một nơi nào ở cao nguyên đá này, Xéo Lủng thiếu nước trầm trọng. Không trồng ngô, người dân sẽ đói.
Nương của Hà và đa phần người Xéo Lủng, đều chỉ cách sông Nho Quế chỉ một đoạn ngắn, sát tới bờ mép dốc đứng thẳng xuống sông. Từ nương, sẽ thấy Nho Quế dường như chạy ngay dưới chân mình, kéo theo mỗi đường cày. Nương chỉ cách mốc 428, mốc xa nhất phía bắc của Việt Nam, nằm trên đường biên giới Việt-Trung, độ vài trăm mét. Người Xéo Lủng, tính ranh giới nương bằng một đường tưởng tượng từ sống núi kéo xuống phía sông. Một bản người H’Mông mấy chục nóc nhà, đã dựng nhà, trồng cấy từ rất lâu, trên những mỏm đá cao nhất nhìn thẳng xuống dòng sông xanh kia.
Sùng Chìa Na, cũng là một người Xéo Lủng mấy đời, bảo rằng vào tháng 2/1991, khi anh còn nhỏ, một sáng cả bản bỗng bị đánh thức bởi tiếng hò hét và lửa cháy. Một đám người từ bên kia biên giới, súng ống đầy đủ kéo sang, yêu cầu tất cả phải chuyển đi. Họ nói tiếng không ai hiểu. Nhưng người ở bản không chịu, vậy là 18 nóc nhà bị đốt cháy sạch. “Nó định lu nhà mình từ trước rồi, nhưng không ai đi cả, nên nó đốt, đốt cái mái nhà bằng cỏ tranh rồi là đốt cả nhà”, Ly Mí Nhù, trưởng bản Xéo Lủng kể lại. Sùng Chìa Na khi đó còn nhỏ, nhưng anh bảo lúc đó các cụ già vẫn động viên con cháu là không chạy đi đâu: “Bố mẹ sinh ra ở đây, chúng ta có đất ở đây, có mồ mả ở đây rồi”.
Không ai dời đi sau hôm ấy. Nhà cháy cả, họ dựng lại nhà mới, dưới sự hỗ trợ của những người lính biên phòng Việt Nam. Bố của Ly Mý Hà, ông Ly Chứ Sùng, khi đó đang đi bộ đội ở Cao Bằng. Nghe tin nhà cháy, ông xin về bản: “Phải về chứ, nhà mình ở chỗ núi này, sông này. Chết cũng phải chết ở đây”. Tháng 11/1991, ông Sùng cùng gia đình dựng lại một nền nhà mới, bên cạnh cây chuối cháy nham nhở. Người trong bản theo ông. “Mình dựng nhà, biên phòng với cả xã về thăm động viên suốt: “Giữ đất nhá”, đấy!”, ông Sùng cười hồn nhiên.
Năm 2000, người Xéo Lủng dời nhà đến một chỗ bằng phẳng hơn, nơi có điện lưới, có nước, chỉ cách đó vài cây số. Nhưng nương thì vẫn ở chỗ cũ. Chuyển đi, nói như ông Sùng là để bọn trẻ tiện đi học. Còn ông Sùng vẫn thích nhà cũ. Hôm tôi gặp ông Sùng, già làng vùng cao nguyên đá vẫn đang theo những đường cày chắc nịch ngay cạnh cột mốc 428: “Chỗ này nương gần, củi gần, người dân đi lại tiện, chỉ có cán bộ tới thăm thì đi lại vất vả thôi”. Ở chỗ nào Xéo Lủng, bản mới hay bản cũ, thì cũng vẫn thấy sợi chỉ Nho Quế vắt vẻo dưới chân mình thôi.
Không tìm được ngô giống CP999, gia đình Hà phải chuyển sang loại khác, có CP888, 689, n111, tiện loại nào trồng loại ấy. Nhưng Hà nói năng suất thì không bằng CP999 đã quen. Anh Ly Mý Nhù bảo ngoài ngô bà con có trồng thêm đậu. Nước vẫn thiếu, nhưng đã có hồ treo. Đường vào thôn đã làm xong từ năm 2008. Thậm chí có cả con đường đất đã làm tới sát nương, bà con có thể chở ngô bằng xe máy, không cần phải còng lưng đi bộ xuống dốc đá nửa ngày nữa. Chỉ độ năm 2009, mỗi bước chân xuống nương là một lần bấm chân lên các mỏm đá, đi nương là mất cả một ngày, nên như ông Sùng mới bảo cái gì cũng tiện, chỉ cán bộ đi thăm là không tiện. Giờ thì ai đi thăm cũng tiện, kể cả khách du lịch muốn ra tới mỏm tọa độ cuối cùng của cực Bắc.
Những ngả đường Nho Quế
Ngược dòng Nho Quế, là tới biên giới Việt-Trung. Năm 2020, vào đợt cao điểm của dịch Covid-19, cũng là cao điểm của băng giá, Đồn Biên phòng Xín Cái phải lập một chốt chặn sát sông, từ vị trí cầu Nho Quế 3 phía Đồng Văn sang Mèo Vạc. Chốt biên phòng nằm khuất dưới núi đá, không sóng điện thoại, không 3G, không cả đường xe đi vào. Mấy hôm mưa, chốt bị cô lập. Nhưng phía sông thì không yên tâm chút nào. Đoạn đó Nho Quế cạn nước, người dân vẫn tranh thủ góc ấy để tìm cách vượt biên. Cách đó không xa theo đường sông, Đồn Biên phòng Đồng Văn cũng phải lập một trạm kiểm soát sát sông, mà chỉ trong một ngày ở trạm, chúng tôi đã chứng kiến 4 người đang tìm cách vượt biên bị giữ lại. Họ đã ở trong rừng mấy ngày, chờ đêm tối vượt sông, nhưng lạnh quá, lại trở ra tự tìm đến chốt khai báo. Mấy chốt chống dịch chỉ cách nhau vài cây, nếu đi theo đường sông. Nhưng nếu đi đường bộ, phải vượt qua cả một chặng dài toàn đá hộc đá sỏi, thậm chí là cả dắt bộ. Bặm môi vượt qua mấy tảng đá, anh lính biên phòng chở tôi khoát tay chỉ sang trái, bảo: “Tuần trước có cái xe lao xuống vực chỗ này, bọn mình phải đi cứu nạn đây”. Hôm tới chốt chống dịch, anh bộ đội biên phòng nhất định giữ chúng tôi lại, để thử món tôm sông Nho Quế.
Chục năm trở lại đây, du lịch Hà Giang khởi sắc. Người ta không thể bỏ qua con sông đặc biệt xanh biếc, len giữa những dãy núi đá trùng điệp. Vị trí hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á Tu Sản trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách. Độ trước năm 2012, việc xuống tới sông vẫn là một chuyện khó khăn. Hầu hết các đường xuống sông đều chưa được thuận lợi, chỉ có đi bộ. Người ta quen nhìn con sông xuyên qua núi từ trên cao.
Nhưng rồi những con đường bê-tông ở các thôn, bản được xây dựng, người ta bắt đầu nghĩ tới việc làm du lịch. Nổi tiếng nhất, là bến thuyền từ bản Tà Làng, bởi nó đi qua con dốc 49 khúc cua với khung cảnh có thể xem như là “trác tuyệt”. Người Tà Làng vốn dĩ trước kia ở cao hơn, nhưng những công trình thủy điện làm thay đổi cuộc sống của họ, biến họ thành cư dân sát bờ sông. Người ta bắt đầu sắm thuyền, rồi làm xe ôm cho khách du lịch. Tôi gặp Tuấn ở Tà Làng năm 2017, năm đầu tiên Tà Làng thử đón khách, Tuấn bảo chở khách thế này cũng đỡ hơn phải sang Trung Quốc làm thuê. Năm 2018-2020, có những đợt cao điểm, cả bản 30 trai làng đều được huy động làm xe ôm chở khách từ đường Hạnh Phúc, vượt hơn 7 cây số ngoằn ngoèo xuống thuyền. Con đường ấy đẹp thì đẹp, nhưng không dành cho người yếu tim. Đầu năm vừa rồi, UBND huyện Mèo Vạc thông báo bến thuyền bị ngừng hoạt động, với lý do không bảo đảm an toàn. Hỏi Tuấn là giờ làm gì, cậu nhún vai bảo chưa biết, có lẽ sẽ đi làm thuê đâu đó, chờ xem bao giờ Tà Làng lại được đón khách. Bây giờ, người ta xuống sông chơi theo con đường từ Nhà máy thủy điện Nho Quế 1 và thôn Hấu Chua.
Năm rồi đến nhà Hà, anh đã có thể chở tôi xuống nương bằng xe máy, đi mốc 428 chỉ mất chừng hơn giờ đồng hồ, khác hẳn chục năm trước mất cả ngày trời. Hà đã có thể diện giày tây đặt chân tới mốc, chứ không phải bỏ giày đi đất nữa, dù hẳn nhiên, anh chẳng ngại đi đất lên nương.
Đâu đó, người ta vẫn đang cãi nhau về những con đường xuống Nho Quế, về cách để quy hoạch các bến thuyền sao cho hợp lý. Chỉ có Ly Mý Hà, Sùng Chìa Na, thì vẫn đang bận nghĩ về giống ngô mới, hay Tuấn, còn băn khoăn về chiếc thuyền mới đầu tư được một năm đã phải bỏ không.
Thế đấy! Đường xuống Nho Quế ngay cả bây giờ cũng đầy những tranh cãi.
Sông Nho Quế bắt nguồn từ dãy Nghiễn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), chảy vào Việt Nam qua địa phận xã Lũng Cú và Ma Lé (huyện Đồng Văn, Hà Giang) sau đó chạy dọc Đồng Văn, Mèo Vạc rồi đổ vào sông Gâm ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Sông dài 192 km, phần chảy vào Việt Nam dài 46 km, đoạn biên giới Việt - Trung dài 16,4 km. |
Bài và ảnh: Hồng Việt