Vượt gần 300 km từ Hà Nội lên huyện biên giới Trà Lĩnh (Cao Bằng) để cắm trại ở một nơi gần như chưa có các dịch vụ du lịch, chúng tôi chỉ đơn giản muốn tìm về thiên nhiên, biết thêm một vùng đất lạ. Song, vẻ đẹp độc đáo của Núi Thủng và toàn bộ thung lũng xanh tươi bao quanh đã mang đến trải nghiệm còn hơn cả kỳ vọng.
Núi Thủng là cái tên dân gian gọi, tuy nhiên cũng đã có định vị trên các ứng dụng bản đồ. Các nhà khoa học quốc tế khi nghiên cứu Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng thì đặt tên núi là Mountain Angel Eye, nghĩa là núi Mắt Thần. Cách TP Cao Bằng chưa đầy 50 km, đây là điểm dã ngoại khá nổi tiếng với giới trẻ Cao Bằng.
6 giờ chiều, chúng tôi đến nơi và ấn tượng mạnh ngay từ phút giây nhìn thấy Núi Thủng. Ngọn núi không quá đồ sộ nhưng nổi bật bởi có một lỗ hổng tròn lớn ở chính giữa, trông như một con mắt khổng lồ. Ráng chiều hôm ấy hồng cam rực rỡ, càng tôn lên sắc xanh ngắt mênh mang của trảng cỏ, của rừng cây. Dưới chân núi có vô số hồ nước lớn nhỏ xen kẽ, tạo nên khung cảnh thơ mộng. Từ xa đã thoáng thấy một số đoàn khác đang dựng trại, nấu ăn, đi dạo, chụp ảnh… Đêm xuống, nhiệt độ thấp như mùa đông, dù đã chuẩn bị trước áo rét nhưng ai cũng quyến luyến đống lửa bập bùng, ấm áp.
Buổi sáng, hoạt động thú vị đầu ngày là chèo sup trên hồ khi sương mù còn bảng lảng, lắng nghe chim rừng hót véo von. Sau đó, chúng tôi đến gần để ngắm kỹ hơn “con mắt” của núi, một vòm hang chằng chịt rễ cây, rêu cỏ bám đầy và chứa cả một thế giới động vật thu nhỏ. Nghe nói có thể trekking lên tận nơi nhưng nhất thiết phải có người dân dẫn đường. Tiếp tục đi bộ quanh núi, ai nấy đều trầm trồ trước những thảm cỏ xanh rờn với cả trăm con trâu, bò, ngựa bán hoang dã lang thang kiếm ăn. Chào các bà, các cô người Tày trong bản vác cuốc, gùi cỏ đi ngang qua, sẽ được họ cười tươi thân thiện chào lại.
Hiện nay, khu vực này tuy còn rất hoang sơ nhưng cũng đầy tiềm năng. Nếu được phát triển đúng cách, Núi Thủng có thể góp thêm một điểm đến thiên nhiên, du lịch cộng đồng hấp dẫn của Cao Bằng nói riêng, vùng Đông Bắc nói chung.
Bài và ảnh: Hải Lâm