Do khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1, lượng khách du lịch đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung-Tây Nguyên đã có dấu hiệu chững lại (chỉ đạt khoảng gần 90.000 khách vào năm 2008) và năm 2009 dự kiến nguồn khách này ước đạt khoảng 60.000-70.000 khách.
Trong khi đó, năm 2006, lượng khách này đạt khoảng 80.000 lượt, năm 2007 là 110.000 lượt.
Nhưng bù lại, lượng khách Việt Nam tham gia chương trình đường bộ đi Lào, Lào-Thái Lan, Lào-Thái Lan-Campuchia ngày càng tăng. Trong đó, lượng khách du lịch đường bộ đến Lào và Campuchia tăng bình quân 20-30%/năm.
Theo ông Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Vitours, khắc phục hạn chế trong việc khai thác bằng đường không, đối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thời gian qua, loại hình du lịch caravan đã được xác định như một thế mạnh để thu hút khách du lịch từ các nước trong khối ASEAN và từ các nước thứ 3 vào Thái Lan sang Việt Nam.
Để hấp dẫn du khách vào khu vực miền Trung, nhiều doanh nghiệp lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Vitours... tổ chức các chương trình phát động thị trường và chủ động ký hợp tác với doanh nghiệp lữ hành Thái Lan, Lào, Campuchia để đưa khách vào miền Trung qua đường bộ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng phía Lào đặt ra quy định thu phí xuất nhập cảnh nhiều lần tại tất cả các cửa khẩu đối với khách du lịch đường bộ đã khiến cho giá tour phải đẩy cao lên, gây khó khăn cho du lịch đường bộ khu vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ cả phía Việt Nam và Lào hiện không đáp ứng được sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường như chưa có đủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn 3 sao trong nhiều thời điểm; thiếu các dịch vụ về đêm, đội ngũ hướng dẫn viên vừa thiếu và yếu... đang làm giảm lượng khách và sự hấp dẫn, tính ổn định của tuyến du lịch này.