Du lịch (DL) văn hóa với những tài nguyên DL nhân văn độc đáo, trong đó có các lễ hội (LH) có thể coi là thế mạnh của Bạc Liêu so với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên nhìn từ thực tế thì nhiệm vụ phát huy yếu tố văn hóa trong mỗi LH cần được chú trọng nhiều hơn mới tạo thành những sản phẩm DL đặc trưng thu hút du khách.
Ý nghĩa từ lễ hội
Mỗi LH đều được hình thành trong quá trình lịch sử, có nét đặc trưng độc đáo và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ, đậm đà bản sắc Việt nói chung và bản sắc mỗi địa phương nói riêng. Có thể điển hình một số LH mang đậm giá trị văn hóa ở Bạc Liêu như: LH Vía Bà Nam Hải (LH tôn giáo) tại Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), LH Đồng Nọc Nạng (LH lịch sử cách mạng) tại Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), LH Dạ cổ hoài lang (LH văn hóa DL) tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu), LH Đền thờ Bác Hồ (LH lịch sử cách mạng) tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (huyện Vĩnh Lợi), LH Nghinh Ông (LH dân gian) tại thị trấn Gành Hào… Đây là nguồn tài nguyên DL văn hóa sẵn có từ trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bạc Liêu, được bảo tồn và phát huy giá trị theo thời gian làm dày thêm vốn văn hóa cho Bạc Liêu cũng như làm giàu hơn tiềm năng cho DL. Làm sáng rõ hơn ý nghĩa văn hóa của mỗi LH để thu hút sự quan tâm của du khách tìm đến LH là vấn đề cần được quan tâm.
Du khách tìm đến tham dự một LH không phải chỉ để thưởng thức chương trình văn nghệ hoành tráng hay những hoạt động hưởng ứng thuộc về phần hội mà thường người ta hiếu kỳ xem tổ chức LH ấy nhằm tôn vinh điều gì, cùng những thông điệp từ LH để khi rời chân, du khách sẽ hiểu được cái chất văn hóa ở vùng đất mình vừa đến. LH còn là thời điểm đặc biệt để thể hiện lòng biết ơn “uống nước nhớ nguồn”, là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, để lớp trẻ hôm nay hiểu những giá trị văn hóa mà cha ông đời trước đã để lại. Một địa phương có nhiều LH chứng tỏ nơi đó có một bề dày văn hóa đáng tự hào.
Ban trị sự Lăng Ông Nam Hải (huyện Đông Hải) và ngư dân tổ chức nghi thức cúng bái trong lễ hội Nghinh Ông năm 2022. Ảnh: H.T
Phát huy nét đẹp của lễ hội
Thiết nghĩ, khâu xúc tiến quảng bá cho LH cần được quan tâm hơn. Và hiệu quả của công việc này đo được ở việc làm sao để du khách tò mò muốn đến một tỉnh, thành để tìm hiểu giá trị thực chất, nét đẹp văn hóa của từng LH. Nghĩa là phải tôn trọng giá trị văn hóa của LH, người tổ chức, quản lý và người tham gia LH phải thật sự am hiểu giá trị, ý nghĩa của LH, từ đó tổ chức như thế nào và ứng xử văn hóa ra sao khi tham gia.
Hạn chế các hành vi tệ nạn xã hội, mê tín, thần thánh hóa trong LH, nhất là những LH tâm linh cũng là điều đáng quan tâm. Du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài sẽ rất “dị ứng” với những hành vi như dùng nước khoáng hóa thành… nước thánh để cầu xin may mắn, phúc lộc, hoặc họ sẽ e dè nếu đến một LH toàn thấy cảnh người già, trẻ em ăn xin, thậm chí là có tình trạng móc túi, giật nữ trang. Khi DL, nhu cầu tối thiểu của mọi người là sự thoải mái và cảm giác an toàn. Cho nên giữ cho các hoạt động LH (nhất là phần hội) là môi trường an toàn, văn hóa, văn minh là khâu quan trọng.
LH còn có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mỗi LH nên giải quyết được các câu hỏi: LH này tôn vinh ai, tôn vinh cái gì, nhân vật này hoặc di sản, sự kiện này có giá trị văn hóa như thế nào đối với lịch sử và người đời sau; nghiệm ra điều đáng học hỏi, nhận thức được chúng ta có trách nhiệm gì… Nghĩa là chính người địa phương phải hiểu biết giá trị văn hóa của từng LH để gìn giữ, nâng tầm tôn vinh thì sau đó mới nói đến chuyện phát huy giá trị của LH trong nhiệm vụ làm DL.
Nhật Quỳnh