Những năm gần đây, Điện Biên luôn quan tâm đầu tư, khai thác phát triển ngành du lịch tương đối hiệu quả. Trong bức tranh tổng thể chung của ngành công nghiệp không khói đó, du lịch cộng đồng đã và đang được chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc để nhân rộng và thúc đẩy trở thành thế mạnh của Điện Biên.
Du khách trải nghiệm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Điện Biên có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng với những nét đặc trưng về tự nhiên, nền văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc bản địa, như: Thái, Mông, Hà Nhì, Khơ Mú... Do đó, để phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, ngoài việc khai thác, phát huy quần thể Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, các danh lam thắng cảnh tỉnh còn định hướng phát triển du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, phục dựng, bảo tồn văn hóa đã được thực hiện tại các bản văn hóa như: Phiêng Lơi, Him Lam, bản Mển, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông… Những bản văn hóa này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2021, Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen; Lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa; Lễ cúng bản (Gạ Ma Thú) của người Hà Nhì... Bên cạnh đó, lễ hội truyền thống tiêu biểu của một số dân tộc cũng được phục dựng như: Lễ cầu mưa, Lễ Tra Hạt (dân tộc Khơ Mú), Tết Té Nước (dân tộc Lào), Xên bản (dân tộc Thái), Tết Hoa (dân tộc Cống),... nhằm gìn giữ phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nhảy sạp, múa xòe cổ và các môn thể thao dân tộc (kéo co, tù lu, ném còn, tó má lẹ,...). Tất cả những điều trên đã giúp Điện Biên tạo nên những tiềm năng, những giá trị để khai thác và kinh doanh du lịch cộng đồng...
Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên là 1 trong 8 bản văn hóa đầu tiên của Điện Biên được đầu tư, xây dựng nhà văn hóa và nâng cấp thành bản văn hóa du lịch giai đoạn 2003 - 2010. Sau gần 20 năm tham gia phát triển du lịch cộng đồng, người dân bản Mển nay đã quen với cách làm du lịch gắn với xây dựng nếp sống văn minh, môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhà văn hóa bản đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ các sinh hoạt cộng đồng cùng với khách du lịch. Bản đã đầu tư xây mới thêm một số công trình như nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch. Bên cạnh đó, Bản cũng thành lập một tổ ẩm thực gồm 10 người có kinh nghiệm trong chế biến ẩm thực; một đội văn nghệ gồm 15 thành viên và hợp tác xã thổ cẩm gồm 30 thành viên. Hiện nay, bản Mển đang là một trong những bản văn hóa có khả năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch được đánh giá rất cao. Đến với bản Mển, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các sinh hoạt đời sống hàng ngày cùng bà con địa phương như: Trải nghiệm dệt, thêu thổ cẩm; chăm sóc gia súc, gia cầm; xuống suối bắt cá, lên rừng lấy củi. Du khách cũng sẽ được tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn là đặc trưng của ẩm thực dân tộc thái như: Cơm lam, xôi nếp nương, cá suối nướng, các món ăn từ măng đắng và hoa ban... Buổi tối sẽ là không gian giao lưu văn nghệ đặc sắc do đội văn nghệ cũng chính là những người dân trong bản thể hiện… Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch bền vững nên bản Mển không những đã trở thành điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước mà còn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên thẳng thắn nhìn vào thực tế có thể thấy rằng, du lịch cộng đồng thời gian qua vẫn chưa phát huy hết hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có để trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch tỉnh. Ví dụ như việc xây dựng thương hiệu, tính chuyên nghiệp trong phục vụ nhu cầu của du khách còn nhiều hạn chế. Sản phẩm phục vụ chủ yếu chỉ dừng lại ở ẩm thực, ăn uống với các món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Về dịch vụ lưu trú thì hầu như chưa phát triển được; việc tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán hay tổ chức trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt lại càng khó thực hiện... Chính vì vậy, bước sang giai đoạn này, các cấp, ngành đã và đang bắt tay vào để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng. Nỗ lực đáng ghi nhận đầu tiên là trong những tháng đầu năm 2022, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực đời sống văn hóa cơ sở. Điển hình như lớp tập huấn “Nâng cao năng lực xây dựng đời sống văn hóa theo chương trình Nông thôn mới, năm 2022” tại huyện Điện Biên. Tham gia tập huấn, các học viên được tìm hiểu cách thức, kỹ năng cơ bản về xây dựng các chương trình giao lưu văn nghệ; hướng dẫn 4 trò chơi văn hóa dân gian hoạt động cộng đồng; 8 dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghệ thuật xoè truyền thống; 2 điệu nhảy dân vũ. Điều khác biệt ở các lớp này là ngoài phát triển, nhân rộng và giới thiệu những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc còn chắt lọc được một số trò chơi văn hóa đặc sắc của dân tộc để thể hiện. Điều này rất có ích khi là hình thức vui chơi nhưng gắn được yếu tố quảng bá, giới thiệu được các nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của các dân tộc khi tham gia trả lời các câu hỏi của trò chơi. Không chỉ vậy, hoạt động có tính giao lưu giữa người dân và du khách, tạo không khí sôi nổi, hào hứng, cuốn hút du khách vào các hoạt động, qua đó, từng bước tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Bài, ảnh: Diệp Chi