Xã Đồng Nai Thượng là vùng đất cao nhất của huyện Cát Tiên, cách trung tâm huyện khoảng 38 km về phía Bắc; nằm hoàn toàn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên - Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Xã có diện tích rừng tương đối lớn với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan thiên nhiên đa dạng... Đồng Nai Thượng đang là điểm đến thu hút du khách bởi sự khác biệt...
Đỉnh thác Đạ Rông - nơi du khách có thể cắm trại, trước khi hoà vào dòng chảy cao hàng chục mét đổ xuống sông Đồng Nai
Đồng Nai Thượng có tổng diện tích tự nhiên là 9.106 ha, đặc trưng nổi bật là địa hình đồi núi hùng vĩ nhưng không hiểm trở, độ cao trung bình khoảng 400 m so với mực nước biển, tài nguyên đất đỏ Bazan màu mỡ chiếm gần 100% diện tích (hơn 80% diện tích là đất lâm nghiệp), khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với nhiệt độ trung bình từ 24-28 độ C. Nhân dân xã Đồng Nai Thượng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp dài ngày (cà phê, điều, tiêu, cao su); các loại cây ăn trái (bơ, sầu riêng, chôm chôm, mít...); kết hợp với các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát...
Đường vào Đồng Nai Thượng đã được trải nhựa hoàn toàn; các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã đã được bê tông hoá 100%... tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân lưu thông, buôn bán, vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xã Đồng Nai Thượng có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Châu Mạ bản địa, cùng với 4 dân tộc khác là Kinh, Tày, S’tiêng và M’nông tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hoá tộc người, trên nền tảng chủ đạo là văn hoá truyền thống của dân tộc Châu Mạ. Đặc biệt, Đồng Nai Thượng nằm trong “không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2005.
Độc đáo hơn, văn hoá truyền thống của người Mạ rất phong phú và luôn được tái hiện trong các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật, thể hiện trên các loại hình đặc sắc, như: trong lễ hội có lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, đặt tên cho con, lễ cúng thần lúa, cúng thần lửa, thần rừng...; trong kho tàng văn học dân gian có nhiều truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại, những bài hát ru độc đáo; nhạc cụ truyền thống có bộ chiêng, trống, khèn bầu, khèn sừng trâu, đàn lồ ô, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô...; trong nghề thủ công truyền thống có dệt thổ cẩm, rèn dao, xà gạc, đan gùi, làm cung tên...; trong văn hoá ẩm thực có văn hoá uống rượu cần, cơm lam, thịt nướng mọi...
Du khách đến thăm gia đình nghệ nhân ưu tú Điểu K’Lộc và vợ là bà Điểu Thị Chóc - Tổ trưởng Tổ Dệt thổ cẩm thôn Bù Gia Rá
Không chỉ là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống của dân tộc Châu Mạ; mà Đồng Nai Thượng còn là một vùng đất chiến khu anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện còn để lại nhiều chứng tích chiến tranh là 2 sân bay dã chiến và các dũng sỹ diệt Mỹ đang sinh sống tại địa phương. Năm 1978, Đồng Nai Thượng được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân...
Đó là cơ sở hình thành nên loại hình du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hoá; bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn. Bà Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, cho biết: Gần đây, du lịch địa phương có nhiều chuyển biến, Đồng Nai Thượng trở thành điểm đến của du khách trong huyện và các địa phương lân cận. Xã cũng có các hoạt động bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hoá truyền thống, như: phục dựng và tổ chức nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm... thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá - tộc người, cơ quan truyền thông và đông đảo du khách cùng Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đường giao thông đến các điểm du lịch được nâng cấp; một số sản phẩm nông nghiệp truyền thống được phát triển, phục vụ nhu cầu ẩm thực, như: nuôi heo mọi, gà đồi, trồng rau nhíp, rau dớn... Tuy nhiên, nhìn chung, do các dịch vụ, tiện ích chưa phát triển, cộng với tư duy của người dân thuần sản xuất nông nghiệp... nên tại Đồng Nai Thượng chưa có mô hình đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ du lịch một cách tương xứng. Nhưng, sự chất phác, mộc mạc của người dân và cảnh quan thiên nhiên chưa bị tác động và xâm hại chính là nét hấp dẫn du khách đến Đồng Nai Thượng.
Lê Hoa