Bên cạnh thị trường khách du lịch nội địa đang phục hồi mạnh mẽ, ngành du lịch thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn đang từng bước xúc tiến, mở rộng các thị trường quốc tế mới để đa dạng hóa nguồn khách trong thời gian tới.
Khách quốc tế đang dần quay trở lại với Đà Nẵng và tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Thu Hà
Ngay khi các đường bay quốc tế được nối trở lại, Thái Lan là một trong những thị trường có sự tăng trưởng khá tốt. Cuối tháng 7 vừa qua, tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra sự kiện “Kết nối bầu trời Việt Nam - Thái Lan 2022” do Diễn đàn trao đổi du lịch Việt Nam (VNTE), Thai Vietjet và Hiệp hội Lữ hành Thái Lan (TTAA) phối hợp tổ chức. Tại đây có sự tham gia của 165 người là đại diện từ các công ty lữ hành của Thái Lan và hơn 30 doanh nghiệp là đại diện các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, lữ hành, công viên chủ đề của Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đã giới thiệu các chính sách mở cửa du lịch Việt Nam, cập nhật các sản phẩm du lịch mới và truyền thống của các địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Chủ tịch Diễn đàn trao đổi du lịch Việt Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương (quận Hải Châu) cho biết, sự kiện này là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của hai nước giao lưu, gặp gỡ, ký kết các hợp tác du lịch trong tương lai. Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, từ đầu năm đến nay công ty ông đã đón 4 đoàn famtrip là các đơn vị lữ hành, lưu trú, dịch vụ của Thái Lan đến khảo sát các sản phẩm mới của Đà Nẵng để kết nối xây dựng tour, trao đổi khách giữa hai thị trường.
“Trong khi thị trường khách các nước Đông Bắc Á chưa thực sự mở cửa trở lại, thị trường châu Âu còn xa xôi thì thị trường Đông Nam Á với các quốc gia có nhiều sự tương đồng như Thái Lan, Singapore, Malaysia… sẽ giúp du lịch phát triển và phục hồi nhanh chóng. Có thể thấy, thị trường khách Thái Lan từ khi có đường bay trực tiếp đã tăng trưởng liên tục. Cụ thể, tại Đà Nẵng, Hãng hàng không Vietjer bay 3 chuyến/ngày, đến tháng 9/2022, Hãng hàng không Bangkok Airways, Airasia sẽ tham gia bay trực tiếp từ Thái Lan đến Đà Nẵng, Hãng hàng không Thái Smile bay charter (thuê chuyến); tăng số chuyến bay lên 5 chuyến/ngày”, ông Thủy thông tin.
Cùng với các thị trường khách Đông Nam Á, ngành du lịch thành phố cũng rất quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Đây được xem là một trong những thị trường rất tiềm năng của du lịch Đà Nẵng. Đầu tháng 8 vừa qua, ngành du lịch và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có chuyến công tác xúc tiến, giới thiệu quảng bá điểm đến Đà Nẵng tới các doanh nghiệp của Ấn Độ.
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm bắt tình hình thị trường quốc tế và xúc tiến một sự kiện giúp doanh nghiệp kết nối hiệu quả, đúng thời điểm. Ông Lương Văn Trang, Giám đốc Khối du lịch Outbound, Công ty CP Vietnam Travel Mart nhìn nhận, Ấn Độ là một trong những thị trường rất tiềm năng, việc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng với chính quyền tham gia là cơ hội tốt để các công ty có thể kết nối, trao đổi khách với các đối tác và mở rộng hệ thống đại lý, thu hút khách Ấn đến với Việt Nam.
Doanh nghiệp của Đà Nẵng gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp du lịch tại Ấn Độ. (Ảnh do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cung cấp)
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Danang Resort Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng Ấn Độ sẽ là nguồn khách quan trọng đối với nhiều điểm đến trong giai đoạn phục hồi du lịch sau Covid-19. Theo ông Quỳnh, chính sách mở cửa tích cực của Ấn Độ cùng nhu cầu du lịch lớn của du khách Ấn Độ có thể tạo nên nguồn khách giúp bù đắp các thị trường truyền thống Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn. Để chuẩn bị cho thị trường này, Furama Danang resort đã đưa ra chiến lược thu hút khách Ấn Độ, tập trung khách nghỉ dưỡng, gia đình và MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch khen thưởng); đồng thời chuyển công năng một nhà hàng thành nhà hàng chuyên món Ấn Độ và dịch vụ cưới phù hợp với nguồn khách này.
Các doanh nghiệp, hiệp hội của Ấn Độ cũng đánh giá cao điểm đến Đà Nẵng. Ông Jadgeep Bhagat, Điều phối quốc gia của Mạng lưới các đối tác lữ hành MICE Ấn Độ (NIMA) bày tỏ mong muốn hợp tác tích cực với du lịch Đà Nẵng để thúc đẩy du lịch MICE giữa hai điểm đến cũng như tạo lập quan hệ hợp tác bền vững, mang lại những lợi ích chung thiết thực cho các thành viên của NIMA và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An: “Với sự tăng trưởng đáng kể về trao đổi thương mại, du lịch, dịch vụ giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, đây là thời điểm vàng cho các hoạt động xúc tiến. Chương trình quảng bá Đà Nẵng tại thị trường Ấn Độ là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch, chương trình hỗ trợ thu hút khách du lịch MICE và du lịch cưới của Đà Nẵng đến thị trường Ấn Độ, mở ra một thời kỳ hợp tác phát triển giữa ngành du lịch của Ấn Độ và Đà Nẵng, Việt Nam”. Được biết, để thuận lợi cho việc đi lại của du khách giữa các bên, hai đường bay thẳng đầu tiên từ Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng do Hãng hàng không Vietjet khai thác sẽ được khai trương từ ngày 17 và 18/10. Hãng cũng sẽ khai thác thêm 3 đường bay mới đến Đà Nẵng từ Bengaluru, Hyderabad và Ahmedabad lần lượt các ngày 28/11, 29/11 và 1/12.
Thu Hà