Sinh sống trên mảnh đất Krông Bông đã gần 30 năm nay, người Mường, Thái ở thôn Dhung Knung (xã Cư Pui) đang nỗ lực phục hồi và lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc mình trên quê hương mới.
Mải bận rộn với cuộc sống mưu sinh, nhiều năm qua, gia đình bà Ngân Thị Nam (dân tộc Mường) không có điều kiện để tham gia, hòa mình vào những ngày lễ, hội truyền thống. Con cháu cũng vì thế mà chưa có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa của dân tộc mình.
Được sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình bà và người dân trong thôn đã tích cực tham gia, tổ chức biểu diễn các buổi văn hóa, văn nghệ, ẩm thực dân gian… tại thôn.
Bà Nam vui mừng chia sẻ, mỗi dịp ngày hội ở địa phương, người dân ai nấy cũng hồ hởi chung tay tham gia, ghi dấu văn hóa độc đáo của dân tộc mình trên vùng đất mới. Điều đó không chỉ giúp con cháu hiểu và tiếp nối truyền thống dân tộc mà còn làm ấm lòng những người con xa quê nơi đây. Những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thể hiện trọn vẹn trong các ngày hội và là cả tâm huyết của người dân gửi gắm.
Vẻ đẹp người phụ nữ Thái qua tiết mục múa trong Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Mường – Thái của thôn Dhung Knung.
Đơn cử như Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Mường – Thái trong dịp mừng Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua đã tái hiện được không gian văn hóa của dân tộc Mường, Thái qua lời ca, tiếng hát. Để lại dấu ấn đặc sắc với các tiết mục: trống chiêng, múa mừng hội, nhảy sạp, múa chày, múa mời rượu cần, múa quạt… Đồng thời, các chị em còn thể hiện sự khéo léo qua các món ăn đặc trưng như: gà xào măng chua, canh lá dáy, rau trộn, cơm lam, cá nướng, cơm nếp cẩm, rượu cần…
Để hoàn thành ngày hội tươm tất, ban ngày các chị em lên nương rẫy, tối đến lại thắp đèn tập trung nhau luyện tập văn nghệ và tập trung lực lượng chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu nấu ăn. Đàn ông được phân công lên rừng bẫy chuột trong hang đá, kiếm củi, lấy ống tre; xuống suối quăng chài bắt cá, ếch…; phụ nữ lên rừng tìm lá tạo màu, hái măng, rau rừng… và chuẩn bị những bộ váy áo truyền thống, hào hứng cùng nhau tham gia. Công việc chuẩn bị tuy tất bật, vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui, từ đó đã bồi đắp tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ và tạo sự gắn kết cộng đồng.
“Sinh ra ở vùng đất mới này, chỉ được nghe qua lời kể của bố mẹ, mình chưa có cơ hội tiếp xúc văn hóa đặc sắc của người Thái. Vào những ngày hội được tổ chức tại thôn, mình được mặc lên người bộ đồ truyền thống, cùng nhau hát, múa với các mẹ, các chị, trong tiếng trống chiêng rộn ràng, giúp mình cảm nhận rõ hơn về không gian văn hóa dân tộc và thêm yêu quê hương, nguồn cội”, chị Cao Thị Thứng hào hứng chia sẻ.
Từ những năm 1995, một số hộ dân người dân tộc Thái, Mường ở các tỉnh phía Bắc đến định cư tại thôn Dhung Knung (xã Cư Pui), rồi dần hình thành nên cộng đồng xóm làng. Hiện thôn Dhung Knung có 123 hộ dân, với 540 nhân khẩu (trong đó, chủ yếu là người dân tộc Thái và Mường). Đời sống kinh tế ngày càng ổn định, người dân dần ý thức hơn trong việc gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, thường xuyên mặc đồ truyền thống vào các dịp cưới hỏi; tổ chức lễ mừng cơm mới trong gia đình; nấu rượu cần, rượu cẩm vào các dịp lễ, Tết; nhắc nhở con cháu gìn giữ tiếng nói, chữ viết, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của dân tộc mình, không để mai một trước nhịp sống hiện đại.
Các chị em người Mường giới thiệu ẩm thực của dân tộc mình trong ngày hội văn hóa của thôn Dhung Knung.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho hay, với sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương, người dân thôn Dhung Knung đang rất tích cực tham gia phục hồi và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, giúp con cháu hiểu và thêm yêu nguồn cội, góp phần tạo sự gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, Mường đang được gìn giữ và trở thành thói quen gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân. Là xã có gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng, bức tranh muôn màu của văn hóa truyền thống. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức những chương trình liên hoan văn hóa các dân tộc trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân giao lưu, học tập, chung tay phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Phương Thảo