Nhân rộng mô hình "du lịch cộng đồng"
Cập nhật: 24/11/2009
Những năm gần đây huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã chú trọng phát triển "du lịch cộng đồng", gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Mông, Dao, Tày...

Người vùng cao làm du lịch

Thôn Trung Ðô, xã Bảo Nhai, một thôn có 82 hộ dân tộc Tày, 427 nhân khẩu hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc, điển hình là lễ hội Lồng Tồng. Nơi đây có Ðền thờ quốc công Vũ Văn Mật - di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Cuộc sống của người dân ở thôn Trung Đô đang từng ngày được nâng cao nhờ làm du lịch cộng đồng hiệu quả.

Ở các thôn, bản người Tày xã Tả Chải và Na Hối, các hộ gia đình làm nhà sàn phục vụ du khách nghỉ ngơi tại nhà, làm dịch vụ ẩm thực tại chợ văn hóa, thành lập các đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch, điển hình là nghệ nhân Vàng Seo Pao (thôn Na Kim) đã truyền dạy cho thanh niên nam nữ những điệu múa, điệu trống, kèn, hát giao duyên. Ông cũng đã thành lập đội xòe chuyên biểu diễn phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và phục vụ khách du lịch vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Ở các thôn, bản đồng bào dân tộc Mông, mô hình này cũng phát triển khá phổ biến. Nhiều hộ gia đình còn kết hợp làm du lịch với sản xuất nông nghiệp. Ông Ly Seo Hồ (64 tuổi, thôn Bản Phố 2A) là một trong những già làng có uy tín nhất trong cộng đồng người Mông Bản Phố, được xem là người "giữ hồn" văn hóa dân tộc Mông. Ông còn thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội của Bản Phố. Vào dịp cuối tuần, các công ty lữ hành du lịch trong nước và nước ngoài hay đưa khách đến nhà ông để tìm hiểu văn hóa và xem ông biểu diễn. Mỗi năm, có khoảng hơn 1.000 lượt khách tới thăm nhà ông, khoảng 100 lượt khách nghỉ lại qua đêm.

Còn ở vùng đồng bào dân tộc Dao, mô hình "du lịch cộng đồng" đang phát triển tốt ở hai xã Nậm Ðét, Nậm Khánh, điển hình là hộ gia đình anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Mới. Từ hai năm nay, gia đình anh Minh đã đầu tư xây dựng một nhà sàn khang trang phục vụ khách và làm hướng dẫn viên cho khách đi tham quan phong cảnh thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao.

Nỗ lực từ phía chính quyền

Bắc Hà là huyện vùng cao nằm ở hướng đông bắc của tỉnh Lào Cai, có hơn 52 nghìn dân, thuộc 14 dân tộc, trong đó người Mông, Dao, Phù Lá, La Chí... chiếm đa số. Mỗi dân tộc, bản, làng nơi đây đều có những nét văn hóa riêng. Chính bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng và bản sắc văn hóa độc đáo, tinh tế đã tạo điều kiện để vùng đất này phát triển du lịch. Thực hiện Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2006 - 2010, huyện Bắc Hà hướng trọng tâm hoạt động vào "du lịch cộng đồng". Huyện đã đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống ở xã Bản Phố và Tả Van Chư như: nghề nấu rượu ngô đặc sản, rèn đúc nông cụ, dệt thổ cẩm dân tộc Mông; đầu tư xây dựng các tuyến đường du lịch: Bắc Hà - Na Hối - Bản Phố, Bắc Hà - Tả Chải - Bản Phố, Tả Van Chư - Hang Rồng Nhù - Cồ Ván trị; làng văn hóa - du lịch đồng bào Mông xã Tả Van Chư; khu du lịch sinh thái - văn hóa Na Cồ (Tả Chải); chợ Bảo Nhai, Nậm Lúc... Huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác tổ chức các chương trình, lễ hội du lịch văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Hằng năm, huyện đã duy trì tổ chức Tuần lễ du lịch văn hóa Bắc Hà, trọng tâm là khám phá vẻ đẹp văn hóa làng bản du lịch, lễ hội Rước mận Tam Hoa, lễ hội rượu ngô Bản Phố...

 Tuần Văn hóa ẩm thực với sự kiện nổi bật là chảo thắng cố lớn nhất được công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam; khôi phục lễ hội Leo núi, lễ hội Ðua ngựa, lễ hội Xuống đồng (Lồng Tồng) ở Tà Chải và Na Hối, lễ hội đền Bảo Hà, lễ Cúng rừng, lễ Cơm mới. Ðặc biệt, đầu năm 2009, huyện đã khôi phục, tổ chức lễ hội Gầu tào (lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông Việt Nam, suốt 30 năm qua không có điều kiện tổ chức), vừa góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn khách du lịch...

Nhờ chú trọng phát triển mô hình "du lịch cộng đồng", ngành du lịch Bắc Hà đã khởi sắc rõ nét; các hộ gia đình người dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, đời sống nâng cao rõ rệt. Ðây thật sự là cách làm đúng hướng, hiệu quả và cần được nhân rộng.
Báo Nhân Dân