Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch tỉnh Bạc Liêu đã khởi sắc trở lại, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Dù chưa trở lại sôi động như trước đây, nhưng các điểm du lịch ở Bạc Liêu những ngày này đã thu hút khá đông du khách đến tham quan.
Quảng trường Hùng Vương - điểm tham quan du lịch tiêu biểu tại Bạc Liêu. (Nguồn: TTXVN)
Triệt để phát huy thế mạnh
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch của tỉnh đạt 1.700 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch, tăng 76,2% so với cùng kỳ). Kết quả trên thực sự đáng phấn khởi, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19, ngành du lịch gần như bị đóng băng. Bên cạnh sự quan tâm thúc đẩy của các cấp, các ngành, du lịch tỉnh Bạc Liêu khởi sắc nhờ tự làm mới, tự sáng tạo nhằm thu hút lượng lớn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Bạc Liêu có 9 trong số 21 điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Riêng thành phố Bạc Liêu đã có 8 điểm là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo, khu du lịch Nhà Mát, Quán âm Phật đài, khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu, Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Hình ảnh về logo du lịch của tỉnh Bạc Liêu với 3 hình ảnh chủ đạo gồm cây đờn kìm, nón lá, sóng nước xung quanh chữ “Bạc Liêu” cách điệu. (Nguồn: TTXVN)
So với một số tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Bạc Liêu có nhiều lợi thế. Một trong số đó là du khách không mất quá nhiều thời gian cho di chuyển, bởi khoảng cách giữa các điểm du lịch tương đối gần.
Nằm ngay trung tâm thành phố là khu nhà Công tử Bạc Liêu, nơi du khách có thể tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, nghe kể những giai thoại thú vị về vị công tử nổi tiếng này.
Cách khu nhà Công tử Bạc Liêu hơn 5 phút đi bộ là đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam, có tên gọi là “đồng hồ Thái Dương” được nhà bác vật Lưu Văn Lang tự tay xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Hay từ khu nhà Công tử Bạc Liêu cũng chỉ mất hơn 10 phút di chuyền bằng ôtô là đến Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, điểm du lịch mà du khách thường ghé thăm mỗi khi tới vùng đất tươi đẹp này. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhất là bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.
Từ đây đi về phía biển khoảng 10km là các điểm du lịch nổi tiếng Vườn chim Bạc Liêu, Quán âm Phật đài, những cánh đồng điện gió, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ…
Để du lịch phát triển xứng tầm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phan Thanh Duy khẳng định, Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đa chiều, vừa đa dạng, phong phú về loại hình, sản phẩm, tuyến điểm du lịch, vừa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất, con người Bạc Liêu.
Đồng thời, tỉnh quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch cụ thể, nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch cả về mọi mặt, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bạc Liêu trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh du lịch cộng đồng
Ngành du lịch Bạc Liêu đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ sở để tỉnh đề ra chỉ tiêu cũng như các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022, tiếp đón khoảng 3,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; phấn đấu có từ 1 đến 2 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, công nhận từ 1 đến 3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch, trong đó điểm nhấn là mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu coi trọng phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch khu vực nông thôn, bảo đảm tính liên kết, không trùng lặp với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch. Tỉnh từng bước xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách, nhất là vào các dịp lễ, hội, mùa cao điểm du lịch…
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Qua khảo sát một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng mới hình thành trên địa bàn cho thấy bên cạnh những mặt tích cực, mô hình này cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đầu tư bài bản nên việc khai thác sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển...
Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và hạn chế của mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu sẽ có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới”.
Khu điện gió Bạc Liêu được nhiều người gọi là “Cánh đồng điện gió”, nơi du khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của những tua bin gió khổng lồ, dựng lên sừng sững trên nền trời xanh. Cánh đồng điện gió Bạc Liêu được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019. (Ảnh: Phương Nghi)
Tỉnh đang tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Bạc Liêu tại các sự kiện du lịch, hội chợ triển lãm, lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc hợp tác liên kết phát triển du lịch các tỉnh, thành phố phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Cùng với đó, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Bạc Liêu – điểm đến an toàn.
Có thể thấy, nhờ quyết tâm cao, cùng những chủ trương, chính sách mới mẻ, phù hợp và cách làm sáng tạo, du lịch Bạc Liêu những năm gần đây đã vượt qua nhiều khó khăn, phát triển khá ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đáp ứng xu thế và yêu cầu của địa phương và đất nước thời kỳ phát triển, hội nhập.
Vùng đất trù phú, người dân Bạc Liêu hiền hòa, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng đặc trưng. Ai đã đến Bạc Liêu một lần khó có thể quên.
Phương Nghi