Ngược thượng nguồn: Tàn tích giấc mơ vàng
Cập nhật: 13/09/2022
Hạ nguồn sông Thần Sa từng ngầu đỏ sa khoáng lẫn máu của phu vàng, đang từng ngày chuyển mầu, mơ giấc mơ xanh về thượng nguồn nguyên thủy. Bắt nguồn từ huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), một thời khúc sông Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) từng oằn mình bởi nạn khai thác vàng trái phép.

Thác Thần Sa trên dòng sông cùng tên.

Cầu siêu cho một ước mơ

Tiết trời thượng tuần tháng 7 âm lịch ở Thần Sa ong oi, núi chiều mầu chàm sầm sẫm. Một góc thung lũng ven sông loang lổ đá cục trắng, đất vàng, lô nhô những ngôi mộ đất thấp lè tè xen lẫn những vạt cây bụi lúp xúp xanh buồn tẻ. Thầy cúng Chu Văn Biền cùng phụ tá bày đồ lễ, hương hoa trên chiếc mâm đồng đã ngả mầu xanh trên vạt cỏ úa. Thầy được gia đình anh Lê Minh Khánh (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nhờ cầu siêu cho người con trai từng làm phu vàng mất tích từ những năm 80 thế kỷ trước.

Tàn tích còn lại của giấc mơ vàng vùng hạ lưu sông Thần Sa đấy! Ứng luôn với lời cảnh tỉnh “vàng biết ăn thịt người” của các thầy địa lý từng lặn lội núi cao, suối sâu tìm kiếm long mạch Thần Sa.

Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, Thần Sa được ví như một vùng đất chết bởi sự hoành hành của những bãi vàng “thổ phỉ” tự phát với hàng vạn người, hàng nghìn phương tiện máy móc ngày đêm sôi sục đào xới nát bấy cả vùng đất trong thung lũng rộng lớn vài chục ha, tạo ra nham nhở chi chít hang hầm hun hút.

Đất đá đào lên, được đem ra sông suối đãi lấy vàng. Vàng đem lại nhà lầu, xe hơi, xa xỉ phẩm trong thời còn khổ ải, đã kích thích người đến Thần Sa. Nhưng những người dấn thân vào cuộc chiến vàng đều thua đậm.

Chẳng ai muốn nhắc lại những tang thương của hàng đoàn con người u mê có, tỉnh táo có, tham lam có, phẫn chí có… rùng rùng kéo nhau lên Thần Sa thực hiện giấc mơ. Chẳng biết bao người còn lành lặn mang theo vàng trở về, chỉ thấy hầu hết mang được thân ốm đau dặt dẹo, ôm bệnh sốt rét, thậm chí nghiện ma túy, nhiễm HIV…

Nhẹ bước về sau cuộc cầu siêu, anh Khánh trầm ngâm hồi tưởng lại, Tuấn - em trai anh là một trong những người xấu số ấy: “Gia đình tôi nhiều lần tổ chức tìm kiếm, gọi hồn mà mãi chẳng thấy em. Nghe các thầy đều phán, em chưa được siêu sinh. Cứ nghe đâu mách có thầy giỏi lại nhờ làm lễ tìm kiếm”.

Tuấn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Mới 22 tuổi, năm 1983, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, cám cảnh nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ làm công nhân đồng lương bèo bọt, trầy trật mãi không xin được việc, Tuấn theo người ta đi đào vàng kiếm vận may. Đeo chiếc ba-lô lép xẹp đựng hai bộ quần áo, cân cá khô và 5kg gạo, Tuấn hăm hở lên đường với ước ao kiếm chút vốn về rồi tiếp tục giấc mơ giảng đường dang dở. Thư sinh, cao kều, gầy nhẳng nhưng Tuấn khỏe, chịu khó thức khuya dậy sớm hì hụi đào đất, đãi vàng. Anh Khánh kể trong một đêm mưa bão, hầm vàng của nhóm Tuấn đào bị sập, đất đá vùi lấp nhóm bảy người, Tuấn cùng bốn bạn ở phía ngoài thoát nạn, còn hai người phía trong mấy hôm sau mới tìm được xác. Thất thần vì sợ, Tuấn vội vã tay trắng trở về. Được một năm, cuộc sống vẫn khó khăn bế tắc, bài ca thất nghiệp vẫn diễn ra, anh lại phẫn chí rời nhà, lại ôm giấc mộng vàng trở lại Thần Sa. Hễ ai về thành phố, Tuấn đều nhờ nhắn gia đình yên tâm. Nhưng có lẽ tránh trời không khỏi số, trong một trận sạt lở bãi vàng, dòng thác đất đá cuốn Tuấn cùng hàng chục người xuống lòng sông, mất tích. Gia đình lập mộ gió cho Tuấn ở bờ sông.

Xuân đi hạ về, hết lớp người vác nặng giấc mơ vàng trên vai này ra đi, lớp khác lại đến như cuộn sóng của dòng sông Thần Sa. Vàng chỉ đem niềm vui cho thiểu số người. Vàng để lại nỗi đau cho nhiều gia đình. Việc khai mỏ vàng Thần Sa đã kết thúc, nhưng tàn dư của nó vẫn còn, làm nguồn nước tại các khe suối, nhánh sông bị ô nhiễm nặng. Người dân xóm Tân Kim, xã Thần Sa vẫn phải sống chung với môi trường bị ô nhiễm cùng nạn lũ ống, lũ quét và sạt lở thường xuyên. Hàng chục năm nay, nước ở khe Nước Đục vẫn luôn sủi ngầu bùn đất, bốc lên mùi hóa chất nồng nặc. Nước từ khe Nước Đục đổ về sông Thần Sa và chảy qua huyện Đồng Hỷ rồi hợp lưu với sông Cầu. Việc ô nhiễm khe Nước Đục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước sông Cầu - dòng sông chính của tỉnh Thái Nguyên.

Mơ về thượng nguồn xanh

Mấy thập kỷ sục sôi vì vàng, thung lũng Thần Sa bị cày nát tan hoang, vương bao hệ lụy. Để đem lại bình yên cho vùng hạ lưu sông, từ những năm 2000, chính quyền huyện Võ Nhai và tỉnh Thái Nguyên đã liên tục mở các đợt truy quét “vàng tặc”, quyết liệt vào cuộc ngăn chặn việc khai thác vàng sa khoáng trái phép, đóng cửa công trường, lập lại trật tự trị an, Thần Sa mới dần hồi sinh.

Đường đến Thần Sa giờ không còn quanh co hiểm trở, đặc quánh bùn vào mùa mưa nữa. Cách TP Thái Nguyên 40km, theo quốc lộ 1B từ Thái Nguyên đi Lạng Sơn về phía bắc, rẽ trái vào con đường bê-tông men sườn núi, ngược dòng Thần Sa, qua ba đập tràn, đến địa phận xã Thần Sa. Sông suối, núi non ở đây còn nguyên vẻ hoang sơ với những tán rừng nguyên sinh rậm rạp. Người đi choáng ngợp bởi khung cảnh hùng vĩ của núi đá vôi sừng sững soi bóng xuống mặt sông thăm thẳm. Trong dải thung lũng dọc theo đôi bờ sông Thần Sa thấp thoáng những mái nhà sàn thẫm nâu của người bản địa giữa nương ngô xanh ngút ngàn.

Thần Sa đang lưu giữ những vết tích về người cổ đại từ thời đồ đá cách đây hàng vạn năm. Cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như Thác Mưa Rơi, Khu di tích người cổ đại Mái Đá Ngườm…, xóm bản vùng cao của Thần Sa sẽ thành những điểm du lịch sinh thái lịch sử hấp dẫn. Thần Sa còn nằm trong chuỗi liên kết có khả năng phát triển du lịch với rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá - nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II - một trong các lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; rồi đình Cả - hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà - danh thắng nổi tiếng ở Võ Nhai đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Kỳ vọng về tiềm năng du lịch, Phó Bí thư Huyện ủy Võ Nhai Hoàng Minh Hiền cho biết: “Võ Nhai đang hướng đến phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Tiềm năng du lịch của Võ Nhai còn rất lớn, trong đó nổi bật nhất là Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ngoài tính chất là hang động nguyên thủy, khu dự trữ thiên nhiên này có vị trí gần trục giao thông quốc lộ 1B kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, là những địa phương cùng có tiềm năng phát triển du lịch. Khi được kết nối, những điểm du lịch thuận lợi trong khu sẽ là nơi thu hút du khách, góp phần tăng nguồn thu, giải quyết việc làm cho lao động và tạo ra điểm nhấn cho du lịch địa phương”.

Thực tế, Khu du lịch Thần Sa đi vào hoạt động đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Ông Triệu Đức Vạn, xóm Tân Kim, xã Thần Sa nói: “Khu du lịch đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi có việc làm mới (dịch vụ du lịch), cho thu nhập gấp vài lần so với làm nông thuần túy. Góp phần tiêu thụ đặc sản địa phương như măng rừng, ổi, cơm lam, rau ngót rừng, na, dưa, dứa… theo mùa vụ”.

Di tích khảo cổ học Thần Sa đã được Nhà nước xếp hạng năm 1982. Những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người cách ngày nay hai - ba vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa, đã chứng minh rằng, tại đây đã tồn tại một nền văn hóa được xem là cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á. Sau các cuộc khảo sát, khai quật, các nhà khoa học đã thu được rất nhiều hiện vật. Qua hai đợt khai quật năm 1981 và năm 1982, hiện nay Bảo tàng Thái Nguyên còn lưu giữ hơn 12.000 hiện vật của thời kỳ đồ đá: Đá, nguyên liệu, hạch đá, công cụ cuội có vết ghè rìa lưỡi, công cụ mảnh tước, phiến tước, công cụ mũi nhọn, rìu tay, đồ xương.

Thái Anh

 

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 06/9/2022